Đã có TCVN rau hữu cơ
Trong rất nhiều chuyến công tác tại cơ sở, đặc biệt những tỉnh, thành tiên phong sản xuất nông sản sạch như Hà Nội, Sơn La, Lào Cai, TP.HCM… chúng tôi thường xuyên nhận được những thắc mắc về việc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chậm ban hành Tiêu chuẩn quy chuẩn cho rau hữu cơ. Do đó, khiến công tác quản lí ở địa phương gặp khó khăn trong quá trình thanh, kiểm tra quản lí mặt hàng nông sản cao cấp này.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, hiện tại Bộ NN-PTNT không còn quản lí tiêu chuẩn, quy chuẩn rau hữu cơ, trách nhiệm này nay thuộc Bộ KH-CN.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Như Cường, từ năm 2015 trở về trước đúng là rau hữu cơ không có cơ quan nhà nước nào quản lí cụ thể do chưa có quy định pháp lý. Nhưng mới đây, Bộ KH-CN đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
Do đó, nhiệm vụ quản lí, giám sát, thanh, kiểm tra xử lí mặt hàng hữu cơ phải dựa theo TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN và Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 500 triệu đồng.
Phó Cục trưởng Nguyễn Như Cường cho biết: “Chúng tôi rất chia sẻ với lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương việc chậm trễ ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn rau hữu cơ. Thực tế, Bộ NN-PTNT có xây dựng dự thảo dự thảo TCVN: Sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt hữu cơ. Hồ sơ đã chuyển cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng (Bộ KH-CN) thẩm định. Tuy nhiên, do Bộ KH-CN đã công bố TCVN số 11041:2015, nên không đồng ý ban hành thêm TCVN về hữu cơ nữa”.
Các mô hình hữu cơ khác
Góp ý thêm về quản lí rau hữu cơ hiện nay, một lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) cho hay, là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện nên ngoài TCVN số 11041:2015 do Bộ KH-CN ban hành mới đây, tại nước ta đang tồn tại song song một số hình thức sản xuất hữu cơ khác.
Đó là tiêu chuẩn của tổ chức phi Chính phủ hoặc của nước khác đang hoạt động tại Việt Nam như: Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS – Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee Systems – PGS) được Tổ chức IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements), Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) công nhận.
Hiện nay, PGS đang được vận dụng ở hơn 50 nước trên thế giới. Ở Việt Nam, PGS đang vận hành ở Liên nhóm Rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội); Lương Sơn (Hòa Bình) và Trác Văn (Hà Nam). Ngoài ra, còn có các PGS Hội An, PGS Bến Tre và đang hình thành PGS ở Tân Lạc (Hòa Bình).
Tiếp theo là mô hình rau hữu cơ qua sự giúp đỡ của ADB với chương trình CAPSII có dự án TA8163 REG đang thực hiện với Bộ NN-PTNT qua Vụ hợp tác Quốc Tế thúc đẩy PGS ở 6 nước tiểu vùng Mekong (GMS).
Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA-NOP (US Department of Agriculture – National Organic Product); Tiêu chuẩn hữu cơ Liên minh châu Âu (EU Organic Farming – Ủy ban Châu Âu – Europe Commission); Tiêu chuẩn IFOAM, đã được một số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng và được cấp chứng chỉ như Cty Chè Hùng Cường, HTX Fìn Hò Trà (Hà Giang), Cty Phú Viễn (Cà Mau)…
Ngoài ra, một số ngành nông nghiệp địa phương, điển hình là Sở NN-PTNT Hà Nội cũng ban hành 10 quy trình sản xuất rau hữu cơ tạm thời do đòi hỏi cấp bách của thực tế hướng dẫn nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất hữu cơ. Về cơ bản, những quy trình này cũng tương đối đầy đủ và sát thực tế bởi hầu hết các tiêu chuẩn, tiêu chí đều dịch chủ yếu từ tài liệu nước ngoài.
+ Do các TCVN do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) ban hành hiện nay không được phép công khai chi tiết nội dung lên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ được sử dụng mua bán hợp pháp có bản quyền nên dù TCVN số 11041:2015 về thực phẩm hữu cơ đã ban hành và có hiệu lực được một thời gian, song rất nhiều địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lí nhà nước không biết đã có tiêu chuẩn này.
+ Qua tìm hiểu thực tế, hiện các tiêu chuẩn hữu cơ tại Việt Nam đều chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn của các tổ chức phi Chính phủ hoặc của tổ chức nước ngoài, chưa có mô hình nào áp dụng theo TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN khi TCVN này ra đời.