Sản xuất rau hữu cơ cùng PGS

Thứ tư - 20/11/2013 10:37
Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng, điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là sản xuất quy mô nhỏ, manh mún và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy làm thế nào để những nông hộ sản xuất quy mô nhỏ có thể tiếp cận quy trình sản xuất an toàn và bền vững? Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) có thể là một lựa chọn hợp lý.
Cửa hàng rau hữu cơ PGS
Cửa hàng rau hữu cơ PGS

Cải thiện thu nhập

Theo khảo sát, các vùng rau xung quanh Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau cho thành phố, rau an toàn (RAT) còn chiếm tỷ lệ nhỏ hơn. Điều đó chứng tỏ thị trường cho sản phẩm rau không phải là vấn đề đáng lo ngại. Vậy tại sao những mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn GAP đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ dù để có được tấm giấy chứng nhận đó, nông dân phải mất một khoản phí không nhỏ. Để giải bài toán đầu ra cho RAT hiện nay, cần làm hai vấn đề là chi phí chứng nhận và lòng tin của người tiêu dùng. Muốn làm được điều đó cần có một hệ thống có thể liên kết được các tác nhân trong sản xuất nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, minh bạch thông tin và thiết lập niềm tin với sản phẩm. Và PGS có thể đáp ứng được những yêu cầu này.

Theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam (thành viên Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam), PGS không phải là quy trình sản xuất mà là hệ thống quản lý chất lượng, được vận hành theo chuỗi với các bên liên quan. Tại Việt Nam, tổ chức VECO Việt Nam đang áp dụng hệ thống PGS để quản lý chất lượng RAT ở Lạng Sơn và Phú Thọ; tổ chức ADDA áp dụng trên rau hữu cơ ở Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình).

Sau khi lựa chọn được vùng sản xuất, dự án hỗ trợ thành lập các nhóm sản xuất tình nguyện tham gia vào hệ thống PGS, các công cụ quản lý chất lượng phù hợp cùng với thể chế vận hành hệ thống cũng được song song xây dựng. Có thể nói, nhóm sở thích là hạt nhân của PGS. Họ là nhóm các hộ chuyên sản xuất rau, mong muốn ổn định sản xuất và tạo uy tín với người tiêu dùng. Mỗi nhóm có từ 3-4 tổ sản xuất, mỗi tổ trung bình 6-10 hộ. Việc phân phối sản phẩm thông qua các cửa hàng, được thiết lập trực tiếp giữa người sản xuất và các hệ thống phân phối, chất lượng và giá cả của sản phẩm được xây dựng hàng năm dựa trên cam kết (không thay đổi ngay cả khi thị trường có biến động). Mặc dù sản phẩm được phân phối thông qua hệ thống cửa hàng nhưng người tiêu dùng hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với người sản xuất thông qua địa chỉ in trên bao bì, nghĩa là vấn đề truy xuất nguồn gốc được thực hiện nghiêm túc.

 

Theo kết quả khảo sát, các thành viên sản xuất trong PGS có thu nhập ổn định và thường xuyên, cao hơn trồng lúa từ 3 - 4 lần và cao hơn sản xuất rau thông thường khoảng 2 triệu đồng/sào/vụ (riêng PGS hữu cơ cao hơn 4 triệu đồng/sào/vụ nhờ bán được với giá cao). Tỷ lệ đóng góp vào tổng thu nhập từ sản xuất rau tại các hộ trong các mô hình ở Hà Nội, Phú Thọ là 50 - 90%; 100% người sản xuất khi được hỏi đều mong muốn duy trì sản xuất theo PGS. Tại Sóc Sơn, sau thành công của mô hình, đến nay đã kết nạp thêm 4 nhóm với diện tích sản xuất 6ha; còn tại Lương Sơn, đến hết năm 2012 đã có 13 nhóm sản xuất hữu cơ phân bố trên 6 xã trong toàn huyện.

Cần công nhận PGS như một hệ thống giám sát cộng đồng

Có một điều đặc biệt ở hệ thống PGS là các nhóm hộ tham gia giám sát chéo, nếu các hộ sản xuất càng duy trì tốt công tác tự giám sát và tổ chức sản xuất càng chặt chẽ thì thời gian, chi phí giám sát bên ngoài càng giảm, điều này thấy rõ ở hệ thống PGS hữu cơ. Nhờ sản xuất tập trung, các vật tư đầu vào, việc sản xuất trên đồng ruộng, thu hoạch, phân phối sản phẩm được quản lý chung nên từ chỗ tất cả các hộ phải ghi chép nhật ký sản xuất thì nay chỉ giao cho 1 - 2 người. Đơn cử như liên nhóm Thanh Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội), trong quý III/2013, đã có 11 cuộc thanh tra báo trước và bất thường đã được thực hiện. Nhóm Bái Thượng đã bị phê bình do không tuân thủ các yêu cầu và đã phải tổ chức thanh tra lần hai. Còn ở liên nhóm Lương Sơn (Hòa Bình), nhóm Suối Cốc liên tục bị từ chối cấp chứng nhận do chưa có kết quả xét nghiệm đất và nước.

Trước tính khả thi của mô hình mang lại, bà Nhung cho biết, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp muốn được tham gia vào PGS nhưng hệ thống phải xem xét rất kỹ, tránh tình trạng một số đối tượng “tát nước theo mưa”, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của sản phẩm hữu cơ nhưng cũng muốn tham gia hệ thống để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng. Ngay cả những thành viên trong hệ thống, qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu không minh bạch, tùy mức độ sẽ bị khiển trách, đình chỉ tư cách thành viên của hệ thống (điển hình như vụ việc của cửa hàng Mr.Sạch hồi quý III/2013).

Đánh giá về PGS, TS.Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây lương thực và Cây thực phẩm cho rằng, trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất bức xúc, một sáng kiến như PGS cần được khuyến khích phát triển vì đã liên kết được các tác nhân với nhau (nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý) để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. PGS cũng hóa giải được hạn chế của các mô hình GAP (vốn dựa trên nguyên lý của mô hình quản lý siêu thị hiện đại, chủ yếu dành cho thị trường cấp cao nên chi phí lớn, nông hộ quy mô nhỏ khó tiếp cận) bởi tính liên kết trong PGS là hoàn toàn tự nguyện, giảm đáng kể chi phí quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng tự tìm đến nhau, tạo dựng niềm tin cho nhau.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để PGS phát triển bền vững, tạo cơ hội cho những nông hộ nhỏ, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm công nhận PGS như một hệ thống giám sát cộng đồng; tăng cường sự tham gia tích cực và nâng cao hiểu biết của tổ chức người tiêu dùng để sản phẩm của PGS được phổ biến rộng rãi hơn.

 

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tác giả: Ad.VNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thành viên và Đối tác
Rau Tràng An
Tâm Đạt Hữu Cơ
CODAS
Bác Tôm
Rau Hữu cơ Thanh Xuân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây