PGS sẽ không chỉ dành cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ

Chủ nhật - 04/02/2018 11:00
PGS đã được triển khai thành công ở Việt Nam gần 10 năm qua và hiệu quả được thể hiện rõ là sản phẩm hữu cơ của các nhóm nông dân tham gia PGS đã lấy được niềm tin của thị trường và hiện hữu trong 68 cửa hàng của hàng loạt các thương hiệu Thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sói Biển, Tâm Đạt, Nông Sản ngon, vv… ở Hà Nội, chưa kể đến các tỉnh khác.
Chăm sóc rau hữu cơ
Chăm sóc rau hữu cơ

Hệ thống đảm bảo có sự tham gia – PGS (Participatory Guarantee System) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở hơn 60  nước trên thế giới bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển như Ân Độ, Brazin, Newzeland, Achentina, Peru... Hệ thống đảm bảo này dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình giám sát, đánh giá và cấp chứng nhận PGS. PGS chú trọng vào cả hai vấn đề:

     *) Cung cấp cho người tiêu dùng sự đảm bảo tin cậy về sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

     *) PGS giúp tạo nên sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.

Ảnh: Ảnh:  Thảo luận cách vận dụng PGS cho các trang trại sản xuất tư nhân

PGS được phát triển bởi IFOAM dành cho nông dân sản xuất nhỏ và được vận dụng tại Việt Nam từ năm 2008. Trước nhu cầu của các nông trại tư nhân mong muốn tham gia mạng lưới nông nghiệp hữu cơ PGS, Trung tâm phát triển nguồn lực giám sát có sự tham gia cộng đồng (CDPM) thuộc Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với các bên liên quan là chủ các trại sản xuất, các nhà phân phối, bán lẻ, các tổ chức cá nhân đang quan tâm đến PGS và sản xuất nông nghiệp không hóa chất vào ngày 20/1/2018 tại nông trại hữu cơ Tuệ Viên – Hà Nội. Trong buổi tọa đàm đầu tiên, được thông báo công khai trên fanpage của PGS đã thu hút không chỉ các nhà sản xuất mà còn có đại diện của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, từ các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng và Hà Nội đăng ký tham gia. Hầu hết các đại biểu đăng ký đã tìm hiểu về PGS và thật sự mong muốn được bàn, được chia sẻ kiến thức sản xuất và cả những hiểu biết về PGS. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong tọa đàm đã được phân tích và trả lời cởi mở từ các thành viên Ban Điều Phối PGS. Có thể nói, là một hệ thống tự chủ, PGS không chỉ đòi hỏi phải xây dựng được một cơ chế đánh giá giám sát chéo nhau chặt chẽ, mà còn đảm bảo tính dân chủ cao, sự bình đẳng và niềm tin có tính quyết định quan trọng.

 

 

Ảnh: Các trang trại tư nhân chia sẻ nhưng khó khắn trong việc tạo niềm tin với khách hàng khi chưa được chứng nhận hữu cơ

Về cách tổ chức, theo quan điểm PGS, các điều kiện cần và đủ cũng là một trong những trở ngại đối với các trang trại độc lập. Chứng nhận PGS được cấp theo nhóm và vì vậy thành lập các nhóm sản xuất được kiên kết nhau thành liên nhóm được hỗ trợ và quản trị bởi Ban Điều phối là cách tổ chức của PGS hữu cơ Việt Nam. Bởi thế, hoạt động sản xuất và giám sát của các trại tư nhân khi muốn đăng ký tham gia PGS để được cấp chứng nhận cũng phải tuân thủ các nguyên tắc này. Thiết lập mạng lưới giám sát nhau, tổ chức thanh tra chéo có sự giám sát của các bên liên quan là điều kiện bắt buộc.

 

Ảnh: Các trang trại hữu cư chia theo nhóm địa phương để định hướng áp dụng PGS 

Đối với kỹ thuật sản xuất, muốn làm nông Hữu cơ, người sản xuất phải biết áp dụng tổng hợp các biện pháp trong đó có công nghệ vi sinh, các tiến bộ kỹ thuật có chọn lọc, đầu tư cải tạo đất đai, thiết lập vùng đệm cách ly để loại trừ các nguy cơ ô nhiễm chéo. Việc tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu vật tư đầu vào: Không phân bón và thuốc BVTV hóa học, không sử dụng giống biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ, không sử dụng nguồn phân động vật từ các trại nuôi công nghiệp …và còn nhiều những yêu cầu khác, là thách thức lớn đối với các trang trại đã quen sản xuất mang tính hàng hóa. Họ phải dám đối đầu với việc tụt giảm năng suất ở giai đoạn đầu thiết lập lại trật tự tự nhiên trong hệ sinh thái đồng ruộng

Các trang trại, doanh nghiệp khi chuyển đổi trồng rau hữu cơ thường hay có tư duy đầu tư lớn sử dụng công nghệ hiện đại, làm nhà lưới, mua phân, thuê đất, thuê nhân công vv…với số vốn đến hàng tỷ đồng, chưa kể đến chi phí để có được chứng nhận hữu cơ Quốc Tế nhắm vào thị trường nội địa. Chính vì thế, giá rau đến tay người tiêu dùng từ các trại tư nhân, cho dù chưa có chứng nhận hữu cơ chính thống, thường cao hơn từ 70 -100% so với rau hữu cơ inông dân sản xuất ra. Để sớm bù đắp các chi phí đầu tư, sớm ổn định sinh thái nhanh nhất có thể để tăng năng suất cây trồng, giảm giá thành, bù đắp được các chi phí sản xuất luôn là thách thức lớn cho người sản xuất hữu cơ đặc biệt là nông dân và các trại sản xuất nhỏ.

Trong PGS, luôn đặt sự minh bạch lên vị trí cao nhất và vì thế cố gắng kết nối các bên liên quan đặc biệt là người tiêu dùng cùng giám sát chất lượng và xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm theo quy định của hệ thống. Việc định giá được tự chủ đàm phán giữa nhóm nông dân và các đơn vị phân phối. PGS chú trọng vào giám sát chất lượng và minh bạch hệ thống, cố gắng điều hòa mối quan hệ và lợi ích của các bên trong hệ thống đảm bảo tính công bằng cho người sản xuất, người tiêu dùng, các nhà kinh doanh và các bên liên quan khác.  

Ảnh: Thăm quan trang trại sản xuất hữu cơ Tuệ Viên 

Hiện tại nông dân PGS làm rau ở một số địa phương hài lòng với những gì họ có được khi tham gia PGS. Giá rau hữu cơ PGS duy trì trên thị trường ổn định suốt 4 năm qua và đồng nhất hầu hết cho các loại rau từ 30 đến 32.000 đ/kg tại cửa hàng. Nông dân đang đề nghị tăng giá rau và hy vọng sự ủng hộ từ các công ty, cửa hàng thành viên PGS để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích nông dân cùng các thành viên trong gia đình tự chủ sản xuất, làm lợi trên chính mảnh đất của mình.

Trang trại tư nhân hơn hẳn nông dân về cách làm thị trường, thường sẵn có nền tảng cá nhân và năng lực áp dụng công nghệ vào sản xuất. Tọa đàm đã cùng thảo luận những bước cần thực hiện để các đại biểu có thể đánh giá các điều kiện sẵn có cân nhắc khả năng triển khai tại địa bàn của mình. Việc tìm kiếm và kết nối các trang trại trên địa bàn để thảo luận và thành lập mạng lưới liên trại áp dụng công cụ PGS của riêng mình hay tham gia vào một PGS sẵn có nào đó là hoàn toàn tự chủ, dưới sự tư vấn hỗ trợ kỹ thuật của Ban điều phối PGS Việt Nam

Ảnh: Công nhân sản xuất rau hữu cơ đang làm việc tại trang trại hữu cơ Tuệ Viên

Mong muốn được kết nối, tập trung sức mạnh, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích để cùng tạo ra sản phẩm được giám sát và chứng nhận PGS sẽ giúp người sản xuất phát triển ổn định, tự tin tạo ra các sản phẩm chất lượng có uy tín đạt hiệu quả kinh tế cao, đó cũng chính là điều mong muốn không chỉ riêng của người sản xuất mà cũng là những ước mong chính đáng của toàn xã hội đang khát khao tìm kiếm những sản phẩm hữu cơ thực sự an toàn, chất lượng với giá cả hợp lý cho bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình.

Ths. Phạm Kim Oanh

Phụ trách đào tạo CDPM – PGS Việt Nam

Tác giả: Ad.VNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên và Đối tác
Tâm Đạt Hữu Cơ
Rau Tràng An
CODAS
Rau Hữu cơ Thanh Xuân
Bác Tôm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây