Các hoạt động sản xuất, giám sát thanh tra và tiêu thụ sản phẩm của các nhóm đã được báo cáo và đánh giá trung thực trong cuộc họp. Trong tháng 7, sản phẩm đã được cấp chứng nhận hữu cơ PGS của Tân Lạc như gà ri, trứng gà ri, lợn mường, đã được tiếp cận ra thị trường Hà Nội thông qua các đơn vị kinh doanh thuộc hệ thống PGS và đã nhận được những phản ảnh tích cực về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng cho thấy nông dân còn thiếu nhiều kiến thức và kinh nghiệm xử lý sau thu hoạch và các kỹ thuật khác như cách phối trộn thức ăn chăn nuôi cần được tiếp tục đào tạo để đảm bảo chất lượng tối ưu của sản phẩm. Các sản phẩm bưởi của nhóm Đông Lai tuy đã cấp chứng nhận, nhưng vẫn luôn được giám sát cho dù chưa đến thời điểm thu hoạch. Các sản phẩm xen canh trong vườn quả như khoai sọ, đậu xanh, đậu đen, lạc đã bắt đầu cho thu hoạch và hiện đang cần tiếp cận ra thị trường Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm chưa được chứng nhận của nhóm rau xã Nam Sơn đã được nông dân tìm cách bán ra tại thị trường địa phương là rau an toàn với sản lượng là 1.485kg rau các loại.
Về phía Seed to Table, tổ chức đang triển khai dự án hỗ trợ phát triển sinh kế cho nông dân Tân Lạc, chị Mayu trưởng đại diện của Seed to Table đã lắng nghe, chia sẻ và đang cân nhắc việc thiết lập một địa điểm sơ chế, đóng gói và giết mổ cho các sản phẩm đã được chứng nhận PGS, giúp nông dân Tân Lạc tiêu thụ sản phẩm. Việc thiết kế túi và bao bì cho sản phẩm Tân Lạc đang được xúc tiến theo hướng dẫn của Ban điều phối PGS Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, những thiếu hụt về kiến thức trồng trọt và chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ sẽ được dự án cân nhắc đưa vào kế hoạch tiếp theo để dần đào tạo bổ sung, giúp nông dân hữu cơ Tân Lạc tự tin sản xuất ra những nông sản thực sự sạch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và môi trường.
Liên nhóm Lương Sơn trong cuộc họp ngày 7/8/2014, ngoài việc đánh giá các hoạt động sản xuất, giám sát tiêu thụ sản phẩm và tháo gỡ khó khăn cũng đã thông báo tới các thành viên về hướng mở rộng sản xuất tại Lương Sơn. Hiện Liên nhóm và HND huyện đang phối hợp với trạm khuyến nông mở 2 lớp huấn luyện nông dân (FFS) về canh tác hữu cơ tại 2 xã Cao Răm và Cư Yên. Các giảng viên từ trường cao đằng NN&PTNT Bắc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện đào tạo và hỗ trợ công tác tổ chức thành lập nhóm sản xuất tại 2 xã này. Về dự cuộc họp, có các cơ quan chuyên môn của huyện như khuyến nông, BVTV…giúp tư vấn các vấn đề có liên quan đến kỹ thuật, còn có sự tham gia của hai cửa hàng tiêu thụ thuộc chuỗi cửa hàng của Bác Tôm tại số 6 Nguyễn Công Trứ và 11 Hoàng Văn Thái để lắng nghe, để hiểu và chia sẻ khó khăn cùng nông dân. Ngoài ra còn có thành viên đội tuyển SIFE của trường kinh tế Quốc Dân – cũng là tình nguyện viên giám sát thị trường của PGS cũng về dự họp để học hỏi và phối hợp hoạt động. Như thường lệ, bà Từ Tuyết Nhung – trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam, tư vấn giải quyết vấn đề về kỹ thuật sản xuất, thông báo và định hướng các hoạt động chung của toàn bộ hệ thống PGS tới liên nhóm Lương Sơn. Theo chia sẻ của bà Nhung, 6 tháng đầu năm 2014, hai liên nhóm Lương Sơn – Hòa Bình và Thanh Xuân - Sóc Sơn đã tiêu thụ được 150 tấn rau các loại, vượt 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn