Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhiều trang trại, hợp tác xã trên địa bàn huyện Thạch Thất đã đẩy mạnh phát triển sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ. Những mô hình này đã từng bước khẳng định được tính hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải) cho biết, các loại rau của Hợp tác xã đều bảo đảm quy trình an toàn VietGAP. Nông dân thường xuyên được tập huấn, thực hành các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách nên thương hiệu rau, củ của Hợp tác xã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính. Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được công nhận 3-4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Tương tự, tại xã Yên Bình, với quy mô hơn 30ha của trang trại Hoa Viên chuyên sản xuất rau hữu cơ, trong đó có nhiều loại rau rừng, thảo dược mang tính đặc sản đã xuất hiện tại các kênh phân phối hiện đại, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch… Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên chia sẻ, với quy trình sản xuất chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sản xuất rau hữu cơ, đơn vị đã đạt các chứng nhận quốc tế và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, trên địa bàn hiện có hơn 200ha sản xuất rau an toàn theo mô hình PGS (hệ thống chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo các nguyên tắc và quy chuẩn hữu cơ đã được thống nhất với sự tham gia của nhiều bên trong chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu thụ), tập trung tại các xã: Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên, Yên Bình. Trong quá trình triển khai, người dân được tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn… Do vậy, sản phẩm khi đưa ra thị trường đã đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm. Không những vậy, mô hình còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trung bình, mỗi mô hình đạt từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên, cá biệt, một số mô hình đạt 700-800 triệu đồng/ha/năm; thu nhập trung bình của người lao động tại các mô hình sản xuất rau an toàn đạt 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng khẳng định, bên cạnh những kết quả tích cực, việc sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ còn một số khó khăn. Cụ thể, diện tích chuyển đổi sang sản xuất rau, củ tại một số địa phương còn nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả chưa phát triển; đầu ra sản phẩm còn bấp bênh… Xác định phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Thạch Thất tiếp tục tìm giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã mở rộng sản xuất như: Tạo quỹ đất sạch tại vùng quy hoạch tập trung; đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp với người dân trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ an toàn…
Bên cạnh đó, Thạch Thất tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống kênh mương, nhà bảo quản, sơ chế, tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung. Từ nay đến năm 2025, huyện triển khai 8 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại vùng sản xuất rau an toàn thuộc các xã: Canh Nậu, Hương Ngải, Dị Nậu, Đại Đồng, Đồng Trúc, Kim Quan, Cần Kiệm, Phú Kim… Qua đó góp phần để toàn bộ vùng sản xuất rau tập trung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân…