1. Chứng nhận PGS là gì?
PGS là hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia hay nói một cách khác là hệ thống chứng nhận có sự tham gia. PGS có phương pháp và quy trình đánh giá như một hệ thống đảm bảo chất lượng độc lập của bên thứ ba, chỉ khác là các hoạt động đánh giá và giám sát được thực hiện bởi những người có liên quan trực tiếp tới hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng. CHứng nhận PGS chỉ cấp cho các nhóm hoặc các vườn trại nông dân sản xuất đã được đánh giá và công nhận tuân theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS. Công tác giám sát và hậu kiểm được tiếp tục duy trì thường xuyên kết cả sau khi được cấp chứng nhận để đảm bảo tính nguyên vẹn của sản phẩm được cấp chứng nhận hữu cơ.
Trên thế giới, chứng nhận PGS được áp dụng tại các nước có nền nông nghiệp phát triển: Hoa Kỳ, Brazil, New Zealand…Tại Việt Nam hiện nay, PGS là hệ thống duy nhất chứng nhận chất lượng các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa và địa phương. Tiêu chuẩn PGS Việt Nam được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của IFOAM và bộ tiêu chuẩn ngành SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 và có điều chỉnh theo tiêu chuẩn hữu cơ Quốc Gia TCVN 11041-2017
2. Tại sao chứng nhận PGS lại đáng tin cậy?
PGS là viết tắt của Participatory Guarantee System, là Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia được IFOAM phát triển và thúc đẩy từ 2004 để hỗ trợ nông dân hữu cơ sản xuất nhỏ yếu thế. Là hệ thống đảm bảo chất lượng xác nhận sự tuân thủ của người sản xuất tuân thủ dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước … PGS được xây dựng trên cơ sở của niềm tin tưởng, vào mạng lưới xã hội và sự học hỏi trao đổi tri thức
Hệ thống PGS đáng tin cậy vì những lý do sau đây:
- Có bộ tiêu chuẩn được IFOAM đánh giá và công nhận vào 2013
- Có một hệ thống được xây dựng cùng các văn bản, thủ tục đơn giản, quy trình vận hành rõ ràng
- Có sự tham gia của các bên liên quan gồm người sản xuất, các nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương
- Quá trình sản xuất và thu hoạch, tiêu thụ thường xuyên được giám sát, đảm bảo kịp thời phát hiện các sai phạm
- Có quy trình xử lý sai phạm và giải đáp thắc mắc từ thị trường, hoặc nơi sản xuất một cách nhanh nhất
- Sản phẩm có nhãn nhận diện và tem xác thực chống hàng giả giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và truy xuất nguồn gốc
3. Tôi có thấy một số cửa hàng bán rau với dòng chữ ghi trên bao bì là “được sản xuất theo hướng hữu cơ” hoặc “rau hữu cơ” nhưng bao bì không thể hiện chứng nhận PGS, vậy đó có phải là rau hữu cơ không?
Trong hệ thống PGS, chỉ khi nhóm nông dân cùng diện tích sản xuất được cấp chứng nhận, sản phẩm khi đó mới được ghi nhãn và bán là “Rau hữu cơ PGS”. Bao bì sản phẩm ngoài các thông tin của nhà bán lẻ, phải có tem QR PGS Hữu cơ đã được nông dân kích hoạt với đầy đủ thông tin sản phẩm và người sản xuất ở trong tem QR. Người tiêu dùng cần cập nhật tri thức, cân nhắc để lựa chọn sản phẩm đúng. PGS chỉ công nhận các sản phẩm có dán tem QR của hệ thống là sản phẩm hữu cơ của PGS. Các sản phẩm túi có in chữ PGS nhưng không có tem QR sẽ được coi là hàng giả mạo. Trong PGS không có sản phẩm được gọi là hướng hữu cơ. Chỉ có sản phẩm hữu cơ (khi đã được cấp chứng nhận) hoặc sản phẩm chuyển đổi (khi đã được công nhận chuyển đổi). CChứng nhận PGS có giá trị trong 1 năm.