Vườn rau hữu cơ Thanh Đông nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung

Nông nghiệp hữu cơ dường như vẫn còn là một khái niệm mới đối với người nông dân Việt Nam. Thế nhưng đối với Hội An, điều đó không còn xa lạ. Rau hữu cơ như đã trở thành một thương hiệu của thành phố du lịch này.
Trong vòng 3 năm qua, vườn rau hữu cơ Thanh Đông thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An đã mang lại cho người dân nơi đây một nguồn rau sạch cũng như khuyến khích mọi người sử dụng rau an toàn, tốt cho sức khỏe.
Nằm cách phố cổ Hội An 4km về phía Đông, vườn rau hữu cơ Thanh Đông là nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung.
Được thành lập vào thánh 11 năm 2013 với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và vốn từ mô hình Nông thôn mới. Vườn rau có tổng diện tích là 6368 mét vuông do 8 hộ nông dân tham gia sản xuất. Để có được chỗ đứng trên thị trường rau Hội An hiện nay, các bác nông dân ở đây đã trải qua một thời gian dài với vô vàng điều khó khăn.
Nhưng với tinh thần không ngại khó, vườn rau Thanh Đông đến nay đã thành một điểm cung cấp rau sạch và đồng thời là điểm thăm quan cho những du khách yêu nông nghiệp cũng như muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Nông nghiệp hữu cơ dựa trên tiêu chuẩn khắc khe của chuẩn PGS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. (Là hệ thống đảm đảm bảo có sự tham gia áp dụng rộng rãi của của nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, New Zealand, Argentina, Peru…( PGS là Participatory Guarantee System).
Hệ thống đảm bảo này dựa vào sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình chứng nhận. PGS chú trọng vào cả hai vấn đề: cung cấp cho người tiêu dùng sự đảm bảo về sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và PGS giúp tạo nên sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.
Qua đó, nguồn đất, nước và cả không khí tại khu vườn đều được xét nghiệ kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng.
Thanh Đông là địa điểm có đầy đủ tất cả các tiêu chí của chuẩn PGS. Tại đây, nước được lấy từ nguồn giếng khoang cho vào bể lọc trước khi đưa ra sử dụng cho cây trồng. Giống cây cũng mua từ những thành phố lớn, những quầy cây giống có chứng nhận của Nhà nước để đảm bảo nguồn gốc.
Ngoài ra, phân là một thành phần không thể thiếu cho cây trồng. Phân dùng cho nông nghiệp hữu cơ phải là phân ủ nóng qua một quy trình đầy khắc khe và nghiêm ngặt.
Thành phần gồm các loại như vật liệu nâu từ 25% (cây ngô, rơm…), phân xanh 50% , phân động vật từ 25-30% và chế phẩn sinh học.
Phân được ủ theo từng lớp (vật liệu xanh tới vật liệu nâu, phân động vật và trên cùng là chế phẩm EM), sau 3 tuần đầu sẽ tiến hành đảo phân kèm theo chế phẩm EM và giữ nhiệt độ.
Sau 42 ngày tiếp theo sẽ đảo một lần nữa và phân đủ 75 ngày nếu đã tơi xốp thì có thể đem ra sử dụng.

Thảo mộc được xem như vị thần của vườn rau. Thay vì dùng các loại thuốc trừ sâu, thuốc thảo mộc được chế biến từ các loại cây có sẵn trong vườn dùng để xoa đuổi các loài côn trùng có hại cho cây trồng. Cách chế biến thuốc thảo mộc cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần cho 1kg gừng, tỏi, ớt nghiền nát vào 6 lít rượu ngâm trong vòng 12 tiếng đồng hồ rồi cho thêm vào 3 lạng đường. Sau 4 đến 5 ngày có thể đổ thêm vào 5 lít rượu gạo và đem ra sử dụng. Không chỉ có tác dụng xoa đuổi côn trùng, thuốc thảo mộc còn bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng cũng như cân bằng hệ sinh thái. Một nét rất đặc trưng của vườn rau là các loại hoa.

Hầu hết xen kẽ các luống rau đều có được trồng hoa. Ngoài tác dụng làm đẹp cho vườn, hoa là nơi vô cùng lý tưởng cho loại thiên địch sinh sống và dẫn dụ các loại sâu bọ tới ăn thay vì ăn rau.

Vườn rau hữu cơ Thanh Đông hiện nay có trên 30 loại cây trồng, tất cả đều được cấp chứng nhận PGS năm 2014. Các loại rau đều được trồng theo hai phương pháp cơ bản là luân canh-xen canh và đa dạng cây trồng. Với luân canh-xen canh: các loại cây sẽ được trồng xen kẻ nhau. Thay vì trên một luống chỉ trồng loại cây rễ cọc thì để tiết kiệm diện tích, các bác nông dân đã xen canh vào đó các loại cây rễ chùm ngắn ngay như trồng cà tím xen với cải con. Biện pháp luân canh thay đổi các loại cây trồng ở lần trồng trước và sau.

Đa dạng cây trồng trong vườn rau là phương pháp vô cùng hiệu quả để các loại rau trong vườn được đa dạng và cải thiện chất lượng đất. Điều hấp dân nhất ở đây không phải là một khu vườn “kín cổng cao tường” xây dựng hoành tráng mà tất cả đều dùng tre nứa và các loại cây trông. Bờ cỏ bao ở vườn rau là một điều minh chứng. So với các khu vườn khác đều được xây tường bằng xi-măng hay các vật liệu khác thì ở Thanh Đông là bờ bao trông bằng cỏ voi. Đây không phải là điều ngẫu nhiên hay do thiếu thốn kinh phí xây dựng mà tất cả đều là chủ ý được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ.

Cỏ voi là một loại cây trồng được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, hơn nữa lá của lạo cây này có nhiều lông nên sức cản không khí rất mạnh. Để tránh thuốc sâu từ các cánh đồng xung quanh bay vào và các loài động vật ở bên ngoài thì cỏ voi là một loại cây lý tưởng để làm bờ bao. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi ẩn trú của các loài thiên địch có lợi cho khu vườn.

Làm rau hữu cơ không chỉ vì kinh tế mà còn là tình yêu với nông ngiệp của những người nông dân hiền lành chất phát. Không phải công việc nào cũng dễ dàng và suôn sẽ.

Bác Phạm Mèo chia sẽ: “lúc mới làm vườn cực lắm, thời tiết thì khắc nghiệt, mưa to gió lớn. Kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ chưa nắm bắt kịp, cơ sở vật chất thiếu thốn, vốn còn hạn hẹp. Còn lo cho tương lai không biết làm vườn có ổn định không.” Khó khăn là thế, nhưng với sự hỗ trợ hết mình của ACCD, vườn rau hữu cơ Thanh Đông đến nay đã là một điểm cung cấp rau sạch, rau an toàn cho người dân thành phố.

Nơi đây đã trở thành điểm tham quan du lịch cho các du khách trong và ngoài nước và là nơi thưởng xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các bạn nhỏ tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài các bác nông dân tại vườn, các bạn sinh viên, nhân viên của ACCD và con cháu trong gia đình cũng thường xuyên tham gia trồng rau và phụ giúp các bác thu hoạch mang đi bán.

Hiện nay trên địa bàn thành phố cũng đã có một số chợ có quầy bán rau hữu cơ.

Bên cạnh Thanh Đông đã có thêm được vườn rau hữu cơ tại nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh. Trung tâm ACCD cũng có một số kế hoạch triển khai làm nông nghiệp hữu cơ tại một số nơi khác trong thành phố.

Không chỉ có rau, trung tâm còn có dự án trồng bắp hữu cơ tại Cẩm Nam, Hội An. Với những dự án hoàn toàn khả thi và tình yêu đối với nông nghiệp hữu cơ, trong tương lai không xa Hội An sẽ trở thành một thành phố an toàn với thực phẩm sạch và hoàn toàn thân thiện với môi trường.