Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến huyện Tân Lạc khoảng 100 km. Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường sản xuất nông nghiệp theo hướng hộ gia đình và thu nhập thấp. Huyện Tân Lạc có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch vì không khí trong lành, mát mẻ, hệ sinh thái đa dạng phong phú có nhiều giống bản địa và giữ được văn hóa truyền thống.
Để nâng cao mức sống của nông dân quy mô nhỏ, bảo vệ môi trường cũng như giữ gìn, kế thừa lại ẩm thực văn hóa địa phương, Tổ chức Seed to Table của Nhật Bản do chị Mayu Indo làm trưởng đại diện thực hiện dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân quy mô nhỏ thông qua áp dụng nông nghiệp hữu cơ và tiếp cận thị trường tốt hơn” với mục tiêu giúp nông dân nâng cao kỹ thuật, kiến thức để sản xuất nông sản an toàn và chất lượng cao, liên kết để tiếp cận thị trường tốt hơn và giới thiệu sản phẩm trực tiếp, xây dựng lòng tin cậy giữa người sản xuất, cán bộ nhà nước, thương gia và người tiêu dùng.
Năm 2012 Seed to Table đã tìm đến ADDA xin tư vấn áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) tập trung vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi triển khai ở các xã Địch Giáo, Phú Vinh, Nam Sơn, Đông Lai. Lúc bấy giờ, quá trình xây dựng hệ thống PGS tại Tân Lạc đã được trợ giúp từ cố vấn dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ ADDA-VNFU – Mr.Koen den Braber và bà Từ Thị Tuyết Nhung – Cố vấn kỹ thuật của ADDA -Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam. Sau khi kết thúc dự án, PGS hoạt động độc lập và vẫn tiếp tục tư vấn, hỗ trợ đào tạo để phát triển PGS ở nơi đây. Gần 2 năm, rất chậm từ những viên gạch đầu tiên, cùng với những hộ nông dân tâm huyết, sự nhiệt tình tham gia của các cán bộ khuyến nông huyện và đặc biệt là sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cho đến nay mạng lưới PGS của Liên nhóm hữu cơ Tân Lạc đã đi vào hoạt động và đăng ký trở thành thành viên của hệ thống PGS hữu cơ Việt Nam.
Các khóa huấn luyện về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng tổ chức vận hành liên nhóm và các nhóm nông dân, đặc biệt trong công tác thanh tra và giám sát chất lượng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam, đã được Seed to Table chú trọng mời các các giảng viên có uy tín từ PGS và Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ truyền đạt tới nông dân. Cho đến nay, sau 2 năm thành lập mạng lưới và tuân thủ các quy trình, thủ tục của PGS, 04 nhóm sản xuất bao gồm 02 nhóm gà ri ở xóm Lạ và xóm Khạng xã Địch Giáo, 01 nhóm lợn Mường ở xóm Bò xã Phú Vinh, 01 nhóm bưởi ở xã Đông Lai đã được cấp chứng nhận PGS vào 20/6/2014. Riêng 01 nhóm rau tại xã Nam Sơn đã bị từ chối cấp chứng nhận do thành viên trong nhóm chưa thực sự hiểu rõ các kiến thức cơ bản về NNHC sẽ có nguy cơ không tuân thủ tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất.
Với sự tham gia tích cực của gần 30 hộ thành viên, cùng sự vào cuộc của Phòng Nông nghiệp, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Lạc, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Bắc Bộ, hy vọng các sản phẩm hữu cơ PGS từ Tân Lạc sẽ sớm được khai thác và đưa vào chuỗi các cửa hàng thành viên PGS để người tiêu dùng Hà Nội được sử dụng những sản phẩm thực sự chất lượng.