Sáng ngày 29 tháng 9 năm 2015, với sự tài trợ của Tổ chức VECO, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sự phối hợp của Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực Cộng đồng (CECAD) cùng tổ chức Seed to Table đã tổ chức Hội thảo Thành lập Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) tại UBND huyện Tân Lạc tỉnh Hoà Bình dưới sự hướng dẫn thảo luận của Bà Từ Thị Tuyết Nhung – Tư vấn Quốc Gia Phát triển PGS dự án TA8163 ADB-IFOAM – Trưởng BĐP PGS Việt Nam.
Gần 50 đại biểu từ Tỉnh Hòa Bình và huyện Tân Lạc bao gồm Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, lãnh đạo và đại diện Hội Nông Dân các cấp, Hội Phụ nữ, khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Phòng NN và PTNT, và trưởng Liên nhóm hữu cơ Tân Lạc cùng đại diện của các nhóm Nông Dân đã đến tham gia hội thảo với mong muốn cùng nhau xây dựng và phát triển một hệ thống PGS của huyện Tân Lạc giúp nông dân đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường địa phương và người tiêu dùng Hòa Bình có cơ hội được hưởng những sản phẩm thực sự lành.
Tiếp nối những thành quả ban đầu của Seed to Table khi triển khai Dự án nâng cao sinh kế cho người dân tại Tân Lạc từ năm 2011. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ông Koen den Braber – Cố vấn dự án Nông nghiệp hữu cơ và Bà Từ Tuyết Nhung – Cố vấn kỹ thuật Nông nghiệp hữu cơ Tổ chức ADDA, Liên nhóm sản xuất hữu cơ Tân Lạc đã ra đời tham gia vào hệ thống PGS Việt Nam sau gần 2 năm chuẩn bị.
Bên canh đó, để củng cố và nâng cao năng lực cho các nhóm sản xuất, Seed to Table đã cậy nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô Trường cao đẳng NN và PTNT Bắc Bộ (NVCARD), đặc biệt là sự đóng góp không mệt mỏi của Ts.Trần Thị Thanh Bình, cung cấp tập huấn giám sát Thanh tra, sơ chế đóng gói, Marketing, và kế toán giúp các nhóm có kỹ năng vận hành hoạt động tốt và bền vững.
Với những nỗ lực của nông dân, 4 nhóm sản xuất hữu cơ của Tân lạc đã được cấp chứng nhận PGS hữu cơ đầu tiên vào tháng 6 năm 2014 và các sản phẩm chứng nhận PGS đã bắt đầu được giới thiệu ra thị trường Hà Nội
Mặc dù có những kết quả ban đầu nhưng cũng cho thấy những rào cản mà Tân Lạc đang cần tìm giải pháp khắc phục.
Thứ nhất, do khoảng cách địa lý giữa Liên nhóm Tân Lạc và thị trường Hà Nội quá xa đã hạn chế rất lớn việc vận chuyển và bảo quản các sản phẩm tươi sống
Thứ hai, quy mô tổ chức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng ổn định nhu cầu của khách hàng và nhà phân phối trong hệ thống PGS
Thứ ba, sự ủng hộ và đồng hành của các ngành cơ quan huyện Tân Lạc chưa được nhiều như mong muốn của các thành viên liên nhóm và dự án đã phần nào làm hạn chế khả năng nhân rộng và tính ổn định các mô hình sản xuất tại Tân Lạc.
Năm 2015, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực (CECAD) dưới sự tài trợ của VECO đang thực hiện một dự án giúp nông dân tại Tân Lạc đã thành lập các nhóm sản xuất hữu cơ và mong muốn tham gia vào liên nhóm Tân Lạc trong hệ thống PGS Việt Nam. Từ những rào cản được xác định rõ ràng, Ban điều phối PGS Việt Nam đã họp với các bên liên quan đưa ra phương án thành lập một hệ thống PGS hữu cơ riêng tại huyện Tân Lạc giống như các PGS độc lập khác tại Hội An và Bến Tre để nông dân, thương nhân, chính quyền và đoàn thể địa phương cùng tham gia vận hành giúp nông dân nâng cao đời sống thông qua sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng tại Tân Lạc và thành phố Hòa Bình.
Ngày 29/9/2015, cùng với sự đồng thuận rất cao của Hội thảo, Một hệ thống PGS mới được ra đời với tên PGS TÂN LẠC. Ban điều phối PGS Tân Lạc đã được bầu bao gồm 9 thành viên để thúc đẩy các hoạt động tiếp theo cho một PGS non trẻ trên nền tảng sẵn có của môt Liên Nhóm thuộc PGS Việt Nam. Điều lệ hoạt động của PGS và sự phân công nhiệm vụ để vận hành PGS Tân Lac sẽ được đưa ra bàn cụ thể vào phiên họp đầu tiên của BĐP ngày 15/10/2015.
Hy vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền huyện Tân Lạc, sự thúc đẩy không ngừng của các tổ chức Phi Chính Phủ Seed to Table, CECAD và PGS Viet Nam, PGS Tân Lạc sẽ sớm khẳng định được uy tín của hệ thống đảm bảo chất lượng trên thị trường thành phố Hòa Bình