Đất rừng có độ phì cao và hệ sinh thái của nó rất bền vững nhờ có tán rừng che chở bảo vệ và luôn được bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ từ việc phân huỷ và rễ lá rụng, thân và rễ của những cây chết. Cũng nhờ có sự che phủ của rừng mà đất không bị xói mòn, dung tích hấp thụ cao, phần lớn nước mưa được rừng và đất rừng giữ lại, thiên tai lũ lụt cũng được giảm nhiều.
Tuy nhiên, một khi đất bị bóc trần khỏi thảm thực vật che phủ, đất sẽ rất dễ bị xói mòn và thoái hoá. Đây là yếu tố hạn chế lớn nhất đang kìm hãm và đe doạ tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp vùng cao cũng như an ninh lương thực toàn quốc.
Đất thoái hoá thường nghèo dinh dưỡng, chua, độc, cứng, không ngậm nước và thiếu hoạt động sinh học. Để phát triển sản xuất bền vững trên đất dốc, cần đảm bảo hai điều kiện bắt buộc sau đây:
(a) Bảo vệ đất chống xói mòn và thường xuyên bồi bổ dinh dưỡng cho đất, và
(b) Cải thiện lý hoá tính của đất, nhất là độ tơi xốp nhằm giảm độc tố và tăng dung tích hấp thụ của đất. Muốn làm như vậy, cần tuân thủ những cơ chế tự nhiên trong các hệ sinh thái rừng, tức là thường xuyên che phủ đất bằng thảm thực vật sống hay đã chết.
Tuy nhiên cây che phủ phải là cây đa tác dụng, sinh trưởng nhanh, sinh khối lớn, dễ tính, có bộ rễ khoẻ để phá vỡ đất rắn và khai thác dinh dưỡng từ sâu trong lòng đất, đồng thời phải dễ kiểm soát.
Trong cuốn sách nhỏ này chúng tôi xin giới thiệu một số loài cây đang được áp dụng thành công trong bảo vệ và cải tạo đất ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Mời các bạn xem và tải về ở Tài liệu đính kèm bên dưới.