Dự án tập trung ở hai huyện miền núi phía Bắc là Lương Sơn và Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, nơi có điều kiện địa lý phù hợp cho sản xuất hữu cơ, giúp cải thiện đời sống còn nhiều khó khăn của bà con dân tộc thiểu số ở đây. Trong dự án, PGS sẽ là một hoạt động được chú trọng xuyên suốt, nhằm tăng cường mạng lưới giám sát, giúp nông dân tiếp cận sản phẩm ra thị trường.
Tại huyện Lương Sơn toàn bộ khu vực cánh Đồng Công nằm trong thôn Trại Hòa của xã Hợp Hòa, với tổng diện tích 8 ha nằm sát núi với hình thế ruộng bậc thang được cách ly với không gian xung quanh bởi một vùng đệm được tạo thành từ các cây tràm bao quanh khu vực là nơi được UBND huyện Lương Sơn đưa vào kế hoạch chuyển đổi trong dự án này.
Hiện UBND Huyện Lương Sơn đã giao cho phòng Nông Nghiệp huyện cùng với UBND xã Hợp Hòa mở đường nội đồng, quy hoạch lại toàn bộ khu vực này để chuyển đổi sang sản xuất khép kín hoàn toàn hữu cơ bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, kết hợp với việc khai thác các sản phẩm bản địa có sự giám sát của PGS.
Dự án sẽ gắn kết sản xuất với các chuỗi cung ứng, tiếp tục phát huy thế mạnh của hệ thống PGS để giám sát đảm bảo chất lượng đến tận bàn ăn của người tiêu dùng. Ngoài ra, một diện tích hơn 20 ha thuộc cánh đồng Tràng Bái, thôn Đồng Sương, xã Thành Lập, kề cạnh 3 nhóm sản xuất hữu cơ Đồng Sương, Cây Gạo và nhóm đang chuyển đổi Nà Lều sẽ được quy hoạch để trồng lúa hữu cơ vào năm 2017.
Cùng trong ngày tại huyện Tân Lạc, Ban quản lýdự án đã vượt hàng chục km đường đèo, dốc để đến nơi đáng ra nên đến từ lâu. Quyết Chiến là tên của xã đầu tiên trong số 5 xã vùng cao của Tân Lạc, cửa lối dẫn vào chốn Thung Mây nơi chúng tôi khởi đầu điểm đến để thăm vùng sản xuất do Phó chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Nhỏ và Trưởng phòng NN & PTNT Vũ Quang Hùng giới thiệu. Nằm ở độ cao 800 m so với mực nước biển, đây là nơi có điều kiện thời tiết mát mẻ nhiệt độ luôn thấp hơn từ 4-5 độ so với đồng bằng.
Trong cái nóng bức hầm hập của mùa hè dưới xuôi, nơi đây chúng tôi vẫn thấy những ruộng cà chua trái chín đỏ, ruộng đậu cô ve quả lúc lỉu và những trái cải bắp nằm lăn lóc xen lẫn với cỏ chưa kịp thu hoạch với những giàn vườn su su trải dài, chỉ có thể thấy xuất hiện trong những tháng của vụ đông dưới xuôi.
Một điều đặc biệt ấn tượng là ở đây, không một dấu tích của thuốc trừ cỏ, khi mà nơi nơi đua nhau phun thuốc diệt cỏ. Phó chủ tịch xã Bùi Văn Bến cho biết Quyết Chiến đã nói không với thuốc trừ cỏ từ lâu rồi. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để dự án MOAP mạnh dạn chuyển đổi thí điểm một phần diện tích sang trồng rau hữu cơ trái vụ kết hợp với nuôi gia cầm cung cấp cho thị trường miền xuôi, song song với việc củng cố các nhóm nông dân trong hệ thống PGS Tân Lạc non trẻ.