Lúa mì, gia cầm, sữa, thịt bò, thịt lợn và rượu vang Pháp nổi tiếng khắp thế giới. Đây cũng là các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu của nước này. Trong tổng số hơn 550.00 km2 đất tự nhiên, diện tích đất dành cho nông, lâm nghiêp của Pháp chiếm gần 82%.Với những vùng đất rộng rãi và màu mỡ, việc áp dụng kỹ thuật hiện đại cũng như các biện pháp hỗ trợ của EU, Pháp trở thành nước sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu Châu Âu.
Lâu đài và những trang trại
Nhóm phóng viên 3NTV- VTC16 đã có mặt tại thành phố Nantes, cách Paris gần 400km. Thời trung cổ, Nantes là kinh đô của nước Bretagne, một vùng đất đầy huyền bí. Ngoài các tòa lâu đài cổ kính, các sản phẩm nông nghiệp của Nante cũng rất nổi tiếng. Nho, rượu vang, phô mai, các sản phẩm từ thịt của vùng đất này đã được giới thiệu trên hầu hết các tạp chí du lịch của Pháp.
Theo chân người dẫn đường, một kỹ sư nông nghiệp, anh NicolasCertenais, chúng tôi đã tới trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông bà Anette A.lain tại làng Fontain, Courvet. Nông trại này có từ năm 1808. Sau 2 thế kỷ, toàn bộ diện tích của nông trại vẫn được giữ nguyên với tổng diện tích 65ha.
Theo truyền thống hiếu khách của người dân vùng Nantes, trước khi đi thăm trang trại, chúng tôi đã được ông bà Anette A.lain mời rượu vang trắng, một loại rượu đặc sản của vùng đất này. Để tỏ lòng hiếu khách, ông A.lain còn chơi nhạc, bản nhạc truyền thống của những người nông dân Pháp.
Chưa hết ngạc nhiên, thú vị về bản nhạc mà ông A.Lain đem lại, chúng tôi đã bị bất ngờ bởi hình ảnh những chú lợn chơi đùa trên đồng cỏ xanh. Bước vào trang trại, mà chúng tôi ngỡ như đang đi trong một công viên xanh.
Toàn bộ khuôn viên nông trại được chia làm 3 phần: Nhà chăn thả, khu sinh thái ngoài trời và cánh đồng ngũ cốc.
Đàn lợn và những cánh đồng
Để đảm bảo đàn lợn là hoàn toàn khoẻ mạnh, có sức dẻo dai và khả năng đề kháng tốt, lợn con mới sinh được nuôi thả ngoài trời cùng với lợn mẹ ngay tại khu nhà sinh thái ngoài trời.
Khu nhà sinh thái là khu đồng cỏ với những ngôi nhà có thiết kế khá đơn giản chỉ với một cổng vào. Nhà có hình tròn, được xây dựng từ những vật liệu dễ kiếm như tôn, thép. Đặc biệt, nhà được gắn với hệ thống sưởi, giúp cho đàn lợn luôn được giữ ấm trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Chuồng trại được xây dựng trên nền đệm cỏ. Đặc biệt, loại cỏ này là một nguồn cung thức ăn cho lợn. Đó là những giống cỏ chăn nuôi truyền thống tại các vùng nông thôn Pháp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Vì đây là mô hình chăn nuôi sinh thái khép kín, nên phân lợn được giữ lại làm phân bón tự nhiên cho cỏ và 50ha diện tích trồng ngũ cốc ngay bên cạnh. Đây cũng chính là một trong những biện pháp chăn nuôi tự cung tự cấp truyền thống của các nông dân Pháp.Theo lời ông A.lain Rebault, lợn nuôi hữu cơ phải có ít nhất 75% thời gian và không gian ở ngoài trời. Mọi hoạt động phải tuân thủ nghiêm ngặt thực hành chăn nuôi tốt. Đặc biệt, ngay từ khi chào đời tới khi xuất chuồng, lợn không được phép sử dụng bất kỳ loại thuốc có nguồn gốc hoá chất nào. Điều này là để đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ 100%.
Lợi ích về kinh tế, sức khỏe, môi trường
Giá thịt lợn hữu cơ thường cao hơn 50% so với lợn nuôi thông thường. Theo kỹ sư Nicolas Certenais, để có được giá bán cao thì tất cả các sản phẩm hữu cơ tại trang trại phải có chứng nhận PGS, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Giấy chứng nhận này do Liên đoàn nông nghiệp hữu cơ cấp. Hệ thống PGS khuyển khích hoặc thậm chí có thể yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận. Và khi đến tay người tiêu dùng thì các sản phẩm đều được dán Nhãn đỏ.
Tại Pháp, số lượng các trang trại chăn nuôi theo mô hình hữu cơ ngày càng tăng do lợi nhuận mang lại ngày càng lớn cho nông dân. Diện tích đất dành cho trang trại hữu cơ đã tăng lên tới 425.000 ha vào năm 2011, tăng 13,5% so với năm 2000.
Giáo sư Lơ Mu-eo là một trong những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp hữu cơ tại Pháp.Hiện giáo sư là người phụ trách hiệp hội nông nghiệp hữu cơ vùng Năng, miền Tây nước Pháp. Ông cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của nông nghiệp Pháp nói riêng và khu vực châu Âu nói chung bởi những lợi ích bền vững mà nông nghiệp hữu cơ mang lại: “Chúng ta cho rằng canh tác hữu cơ thì chi phí rất tốn kém, nhưng thực ra, đó là phương thức canh tác có thể tận dụng được nhiều hệ thống tự cung tự cấp vốn có ở các vùng nông thôn. Đồng thời nó còn đảm bảo cho quyền lợi sức khoẻ cho người tiêu dùng, bảo vệ các nguồn tài nguyên nông nghiệp cho tương lai. Nông nghiệp hữu cơ đáp ứng và duy trì được các yêu cầu này.
Các kết quả nghiên cứu của Pháp về nông nghiệp hữu cơ cho thấy, khi quay về phương thức canh tác tự nhiên truyền thống, nông dân sẽ không phải tốn tiền mua thuốc và phân bón hóa học, đồng thời có thể đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, nông dân có thể xuất khẩu với giá cao hơn nông sản thông thường.
Châu Âu và Bắc Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất thế giới với nhu cầu không ngừng tăng. Nông nghiệp hữu cơ hiện đã có mặt tại 130 quốc gia trên thế giới, đạt giá trị khoảng 45 tỷ euro (tương đương 59 tỷ đôla Mỹ) trong năm 2010.
Cơ hội cho người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ đang rộng mở. Tuy nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi không ít đầu tư của người nông dân, đặc biệt là sự đầu tư mang tính hệ thống của phía Chính phủ, nhưng đây sẽ là sự đầu tư bền vững cho một tương lai xanh và sạch.
Bùi Xuân- Phương Thảo
Ảnh: Đắc Lực
Nguồn: www.nhanongcanbiet.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn