Sáng 15/12/2023 tại Hà Nội, PGS Việt Nam (hệ thống đảm bảo có sự tham gia), đơn vị thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ 7 sau 15 năm thành lập (từ 2008).
Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối PGS Việt Nam đã nói về quá trình thành lập, phát triển PGS Việt Nam với bao khó khăn, gập ghềnh, nhưng bà và các cộng sự chưa bao giờ nản chí để chèo lái con thuyền PGS Việt Nam đi đúng hướng.
Tiếp đó, ông Trần Mạnh Chiến, Phó Trưởng ban Điều phối PGS Việt Nam, CEO chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm đã báo cáo Đại hội hoạt động của PGS Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2023.
Theo đó, PGS Việt Nam đã chịu tác động lớn trong giai đoạn này bởi đại dịch Covid-19. Sự sụt giảm về diện tích sản xuất và thị trường – Hoạt động thanh tra, giám sát và chứng nhận bị ảnh hưởng nửa đầu nhiệm kỳ – Trải nghiệm, thích ứng điều kiện mới và điều chỉnh các quy định phù hợp.
Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, các hoạt động của PGS Việt Nam dần khôi phục. PGS Việt Nam về Trung tâm tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) – Tích cực gia các sự kiện quốc tế: Naturland – Đức; NIFAM – Đức; SHiFT – CIAT.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nổi cộm như: Diện tích và năng suất giảm do Covid-19, biến đổi khí hậu, đất sản xuất bị thu hồi, chuyển đổi mục đích – Nhân lực ngày càng già và không có thay thế – Thanh tra nội bộ chưa phát huy tốt, còn trông chờ BĐP – Hệ thống truyền thông, tuyên truyền còn yếu.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban điều phối đã nỗ lực quản lý chất lượng của các Liên nhóm sản xuất tại Thanh Xuân (Sóc Sơn), Lương Sơn (Hòa Bình) và Trác Văn (Hà Nam) bằng việc nghiêm minh trong thanh tra, giám sát, quản lý đầu vào, quản lý môi trường sản xuất. Ngoài ra, để quản lý gian lận, PGS Việt Nam đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số mã QR để quản lý minh bạch trong hệ thống PGS.
Về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII: Mở rộng mạng lưới khách hàng >50% và tăng khối doanh nghiệp tham gia >30% – Số hóa từ nhật ký đồng ruộng đến bán lẻ – Đổi mới hoạt động theo hướng sinh thái, tinh gọn, trao quyền và định hướng khách hàng – Hoàn thiện quy chế hoạt động nội bộ, quy tắc cho hội viên là nông dân, doanh nghiệp – Đề xuất thành lập Ban giám sát thực địa trong PGS hoặc VOAA để tăng cường tính tuân thủ.
Đại hội cũng là dịp để tri ân, biểu dương các cá nhân, tập thể đã đóng góp vào sự phát triển của PGS Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, từ các thành viên của Ban Điều phối, các doanh nghiệp, các nông dân tiêu biểu.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) cho biết, trải qua 15 năm xây dựng, phát triển PGS Hữu cơ Việt Nam mới chỉ là giai đoạn đầu trải qua nhiều khó khăn thử thách. Là một tổ chức tự nguyện, tự chủ do nhận thấy Nông nghiệp Hữu cơ là sản xuất theo xu hướng tất yếu của nông nghiệp trong hiện đại và tương lai, đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và cộng động. Tất cả các đại biểu tham dự Đại hội này là những người tiên phong góp phần xây móng, đắp nền cho sự nghiệp Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
Vì thế, TSKH. Hà Phúc Mịch mong rằng các đại biểu sẽ sáng suốt lựa chọn các vị lãnh đạo có tâm, có tầm để đưa Hệ thống PGS Hữu cơ Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, luôn là “PGS Hữu cơ vì tương lai”.
Sau phần thông qua sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của PGS Việt Nam, Đại hội đã bầu ra Ban điều phối PGS Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2026 với 10 thành viên gồm: Lã Ngọc Ảnh, Trần Mạnh Chiến, Trần Thị Dung, Nguyễn Lê Thu Hà, Đặng Thị Bích Hường, Đỗ Quang Khải, Trần Thị Ngọc Mai, Đỗ Đức Thuận, Thái Anh Tuấn, Vũ Lê Y Voan với sự nhất trí cao của các đại biểu.
Đại hội PGS Việt Nam lần thứ 7 đã diễn ra thành công, tốt đẹp và hứa hẹn sẽ mở ra một nhiệm kỳ mới rực rỡ để đem lại thật nhiều giá trị to lớn cho xã hội.