Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam triển khai dự án tại Bắc Kạn trong 4 năm 2019 – 2022, đã góp phần giúp nông dân trong vùng hình thành, phát triển, mở rộng diện tích nông nghiệp hữu cơ áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm có sự tham gia (PGS) theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập.
Nhằm chuyển đổi nhận thức cho người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và có tính bền vững, UBND tỉnh đã đồng ý cho Hội Nông dân tỉnh thành lập Ban Điều phối PGS Bắc Kạn. Ban Điều phối có trách nhiệm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 10 – 20% giá trị trên một đơn vị sản phẩm trở lên so với sản xuất theo phương thức thông thường mà góp phần bảo vệ môi trường.
Hợp tác xã (HTX) Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể) năm 2022 được Ban Điều phối PGS Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận PGS cho các sản phẩm: Bí thơm với diện tích 6,23 ha, 38 hộ tham gia; trà bí thơm sản lượng 05 tấn; tinh bột bí thơm sản lượng 01 tấn. Việc được cấp chứng nhận PGS đã giúp các sản phẩm của HTX có giá cao hơn 5.000 đồng – 30.000 đồng/sản phẩm.
Chị Đinh Tuyết Nhung, giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết: Sau khi đăng ký là sản phẩm hữu cơ PGS, thành viên HTX và các hộ liên kết được tập huấn các quy trình đạt chuẩn hữu cơ PGS. Các bên liên quan từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và cán bộ của Ban Điều phối PGS Bắc Kạn kiểm tra chéo quá trình sản xuất thông qua nhật ký đồng ruộng ghi lại vòng đời sản phẩm từ lúc chuẩn bị đất, gieo hạt, chăm sóc tới thu hoạch và các yếu tố khách quan tác động. Đồng thời, Ban điều phối PGS thu các mẫu phẩm đất, nước, sản phẩm để kiểm tra. Sản phẩm được công nhận hữu cơ PGS là quá trình quy định khắt khe, tỉ mỉ nhưng giá trị kinh tế đạt cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2023, HTX tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng đã được công nhận sản phẩm hữu cơ PGS.
Năm 2022, ngoài các sản phẩm hữu cơ PGS của HTX Nhung Lũy, Ban Điều phối còn cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm tại huyện Ba Bể gồm: Bí thơm của HTX Tạ Anh, xã Mỹ Phương với diện tích 02 ha, 06 hộ tham gia; 4 sản phẩm của HTX Yến Dương có bí thơm diện tích 06 ha, 35 hộ tham gia; trà bí thơm sản lượng 05 tấn; trà túi lọc bí thơm sản lượng 03 tấn; nếp Tài với diện tích 10ha, 54 hộ tham gia.
Các sản phẩm hữu cơ đã được các HTX kết nối tiêu thụ tại chuỗi các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP tại các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An… Ngoài ra, Ban điều phối còn hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Tiếp tục hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho các THT, HTX trong tỉnh, mới đây Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn – Trường Đại học Lâm Nghiệp tổ chức lớp tập huấn Nông nghiệp hữu cơ và Hệ thống bảo đảm cùng tham gia cho 20 người là cán bộ, Giám đốc HTX, tổ hợp tác (THT). Qua đó, giúp cho THT, HTX chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS.
Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Dự án FFF được triển khai đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước đây, trong sản xuất nhiều nông dân còn lạm dụng phân bón và thuốc hóa học, đặc biệt là thuốc trừ cỏ hóa học… dẫn đến tốn nhiều chi phí mà hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe thì thông qua xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ PGS đã giải quyết được các vấn đề trên, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để “đánh thức” tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ PGS, gia tăng giá trị của các THT, HTX, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về PGS, xây dựng các mô hình điểm về PGS, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng các mô hình đã thành công.