TIÊU CHUẨN HỮU CƠ PGS LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CHỨNG NHẬN HỮU CƠ PGS?

Tại Việt Nam, có nhiều loại tiêu chuẩn hữu cơ và có các chứng nhận hữu cơ tương ứng, bao gồm các tiêu chuẩn và chứng nhận hữu cơ quốc tế như Chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Chứng nhận hữu cơ EU Organic Farming của Liên minh Châu Âu, Chứng nhận hữu cơ JAS của Nhật,  Chứng nhận hữu cơ ACT của Thái Lan, IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements Certification – Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ), COR (Canada Organic Regime) – Chứng nhận thực phẩm hữu cơ Canada. Các tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam gồm: TCVN 11041:2017- Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam.

Ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tiêu chuẩn hữu cơ PGS và các bước để đạt được chứng nhận hữu cơ PGS đối với người sản xuất.

Tiêu chuẩn PGS là gì?

PGS là tên viết tắt của cụm từ Participatory Guarantee System – Hệ thống đảm bảo có sự tham gia, là hệ thống chứng nhận có sự tham gia đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy định của sản xuất hữu cơ. Tại Việt Nam, chứng nhận PGS được đánh giá theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn được xây dựng từ 2008 dựa trên tiêu chuẩn của IFOAM tham chiếu tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Tháng 9/2013, tiêu chuẩn PGS Việt Nam được IFOAM đánh giá và công nhận là thành viên trong gia đình tiêu chuẩn của IFOAM. Sau khi nhà nước công bố tiêu chuẩn hữu cơ Quốc Gia TCVN11041, tiêu chuẩn PGS Việt Nam được tham chiếu và cập nhật theo tiêu chuẩn Việt Nam thay cho tiêu chuẩn ngành 10TCN 602-2006. Đây cũng là chứng nhận theo tiêu chuẩn  cho thị trường nội địa được IFOAM công nhận duy nhất ở Việt Nam hiện nay

Vậy tiêu chuẩn hữu cơ PGS có gì khác với các tiêu chuẩn hữu cơ được ban hành như USDA, EU Organic, JAS, COR,…?

PGS là hệ thống có sự tham gia của doanh nghiệp và các cá nhân liên quan trực tiếp tới chuỗi sản xuất như nông dân, người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển NGO, chính quyền địa phương, nhà khoa học vv… Trong đó chú trọng phương pháp tổ chức kiểm tra, giám sát chéo trong hệ thống nhằm đảm bảo sự tuân thủ các tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất và các quy định trong tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

PGS tập trung vào 02 khía cạnh chính: Sự gắn kết trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu thụ (cung-cầu); Tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng về các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Các tiêu chuẩn PGS Việt Nam gồm 5 chương với 124 tiêu chuẩn, cơ bản bao gồm:

  1. Nguồn nước được sử dụng canh tác hữu cơ phải đạt QCVN 08-MT:2023/BTNMT; Đất canh tác phải đạt giới hạn kim loại nặng theo QCVN 03-MT:2023/BTNMT, và dư lượng hóa chất BVTV tồn dư trong đất theo QCVN 15:2008/BTNMT
  1. Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính…
  2. Cấm sử dụng tất cả các đầu vào hóa học tổng hợp như phân bón hóa học, thuốc BVTV, thức ăn công nghiệp hoặc kháng sinh trong sản xuất hữu cơ.
  3. Cấm sử dụng các loại thuốc trừ cỏ và các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng
  4. Các thiết bị phun thuốc đã được sử dụng trong canh tác thông thường không được sử dụng trong canh tác hữu cơ
  5. Các dụng cụ đã dùng trong canh tác thông thường phải được làm sạch trước khi đưa vào sử dụng trong canh tác hữu cơ.
  6. Nông dân phải duy trì việc ghi chép vào sổ tất cả vật tư đầu vào dùng trong canh tác hữu cơ.
  7. Không được phép sản xuất song song: Các cây trồng trong ruộng hữu cơ hoặc động vật nuôi hữu cơ phải khác với các cây, vật nuôi được sản xuất thông thường
  8. Đảm bảo khu vực sản xuất hữu cơ không bị ô nhiễm từ bên ngoài:
  • Nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các hóa chất từ ruộng bên cạnh. Cây trồng hữu cơ phải trồng cách vùng đệm ít nhất là một mét (01m).
  • Nếu sự xâm nhiễm xảy ra qua đường không khí thì cần phải có một loại cây được trồng trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phun xâm nhiễm. Loại cây trồng trong vùng đệm phải là loại cây khác với loại cây trồng hữu cơ. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước thì cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước bẩn tràn qua.
  1. Các loại cây trồng, động vật nuôi sẽ phải trải qua giai đoạn chuyển đổi: Cây hàng năm phải qua giai đoạn chuyển đổi 6 tháng nếu khu vực sản xuất được chứng nhận là “đủ điều kiện sản xuất an toàn” hoặc 12 tháng trong trường hợp không có chứng nhận an toàn. Sản phẩm trong thời kỳ chuyển đổi không được bán là hữu cơ
  2. Các loại cây trồng lâu năm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trọn một vòng đời từ khi kết thúc thu vụ trước cho đến khi ra hoa và thu hoạch vụ tiếp theo. Sản phẩm sau thời gian chuyển đổi có thế được bán như sản phẩm hữu cơ sau khi đã được cấp chứng nhận PGS
  3. Đối với cơ sở có sẵn các vật chất hữu cơ có động vật nuôi muốn chuyển đổi sang hữu cơ sẽ phải trải qua một giai đoạn chuyển đổi tối thiểu như sau:
  • Đối với động vật nuôi lấy sữa – 90 ngày
  • Đối với động vật nuôi lấy thịt – 12 tháng
  • Đối với gia cầm nuôi lấy trứng – 42 ngày
  1. Cấm sử dụng tất cả các vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen (GMO).
  2. Nên sử dụng hạt giống, các vật liệu trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ sẵn có. Nếu không có sẵn, có thể sử dụng các nguyên liệu gieo trồng thông thường nhưng cấm không được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước khi gieo trồng. Nếu không thể tìm được hạt giống không xử lý hóa chất thì được phép rửa hạt giống bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất trước khi sử dụng
  3. Đối với động vật nuôi, được nuôi theo phương pháp hữu cơ ngay từ khi chúng sinh ra. Tuy nhiên, nếu không có con giống hữu cơ thì có thể sử dụng con giống thông thường để nuôi hữu cơ nhưng phải đạt số ngày tuổi tối đa như sau
  • 2 ngày tuổi đối với gà nuôi lấy thịt;
  • 18 ngày tuổi đối với gà mái nuôi lấy trứng;
  • 2 tuần tuổi đối với các loại gia cầm khác;
  • Lợn giống 6 tuần tuổi và sau khi cai sữa;
  • 4 tuần tuổi đối với bò sữa và dê (nhưng động vật phải được quản lý theo phương pháp hữu cơ trong vòng 1 năm trước khi được bán như là một sản phẩm hữu cơ )
  1. Trên 50% thức ăn chăn nuôi phải được trại nuôi hữu cơ tự sản xuất hoặc hợp tác sản xuất với các trang trại hữu cơ khác. Lượng còn lại cân đối giữa thức ăn hoàn toàn hữu cơ (>50%) và lượng thức ăn thông thường (<10-15%: tùy thuộc vào loại động vật nuôi. 10% cho động vật nhai lại (trâu bò) và 15% cho động vật không nhai lại căn cứ theo lượng chất khô tiêu thụ hàng năm.
  2. Cấm đốt cành cây và rơm rạ, phá rừng và hủy hoại môi trường sinh thái
  3. Cấm sử dụng phân người.
  4. Phân động vật lấy vào từ bên ngoài trang trại phải được ủ nóng trước khi dùng trong canh tác hữu cơ.
  5. Cấm sử dụng phân ủ được làm từ rác thải đô thị.
  6. Các sản phẩm từ bio gas gồm nước và chất lắng không được sử dụng trực tiếp mà phải đưa vào ủ nóng trước khi đưa ra ruộng để sử dụng
  7. Nông dân phải có các biện pháp phòng ngừa xói mòn và tình trạng nhiễm mặn đất.
  8. Một loại cây phân xanh phải được đưa vào cơ cấu luân canh cây trồng trong một năm
  9. Túi và các vật đựng để vận chuyển và cất giữ sản phẩm hữu cơ đều phải mới hoặc được làm sạch. Không được sử dụng các túi và vật đựng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ.
  10. Thuốc BVTV bị cấm trong canh tác hữu cơ không được phép sử dụng trong kho trữ sản phẩm hữu cơ.
  11. Chỉ những phân bón, chất dưỡng đất và các đầu vào được liệt kê trong danh mục phê chuẩn của PGS mới được phép sử dụng.
    Nông dân ủ phân tại vườn hữu cơ Thanh Xuân
    Vườn rau được sản xuất theo tiêu chuẩn PGS tại cánh đồng Đồng Sương, liên nhóm Lương Sơn, Hòa Bình

Đối với các tiêu chuẩn hữu cơ khác, các chứng nhận hữu cơ thường được cấp bởi một bên thứ ba, thường là các đơn vị độc lập, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và không có sự liên hệ với người được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, các chứng nhận hữu cơ khác thường chỉ nhằm mục đích đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất, quy trình sản xuất mà không quan tâm tới khía cạnh gắn kết giữa hai bên cung-cầu.

Trong PGS, giám sát sản xuất là hoạt động được chú trọng. Quá trình giám sát với tần suất cao không chỉ mỗi nhắc nhở nông dân mà còn bám sát thực địa, hỗ trợ nông dân kịp thời. Giám sát chéo giữa nông dân với nông dân, giữa doanh nghiệp đại diện cho khách hàng mà họ đang cung cấp, còn có sự giám sát của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương và từ Ban điều phối của PGS. Chính sự tham gia của bên liên quan trong PGS cùng vận hành bảo đảm chất lượng, đã nâng cao ý thức và trách nhiệm trong sản xuât của nông dân, tạo dựng niềm tin của khác hàng, bảo vệ uy tín cho chứng nhận của PGS trong cộng đồng tiêu dùng

Được cấp chứng nhận PGS là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân quy mô nhỏ, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương hiệu quả.

Ngoài Việt Nam, phương pháp chứng nhận PGS đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Brazil, New Zealand,… Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi quốc gia sẽ có sự thay đổi để phù hợp.

Các bước để đạt được chứng nhận hữu cơ PGS

Logo chứng nhận hữu cơ PGS

Để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS của PGS Việt Nam cần thực hiện theo các bước cơ bản sau:

  1. Nông dân tự nguyện tham gia vào nhóm sản xuất và làm hồ sơ đăng ký vào PGS gửi liên nhóm.
  2. Liên nhóm kiểm tra và hướng dẫn nhóm hoàn tất đủ giấy tờ chuyển lên Ban điều phối
  3. Ban điều phối xem xét hồ sơ để phê duyệt và cấp ID cho từng nông dân và nhóm
  4. Ban điều phối thông báo tới liên nhóm tình trạng phê chuẩn cùng mã ID.
  5. Liên nhóm nhận thông tin tổ chức thanh tra cho nhóm để công nhận chuyển đổi
  6. Liên nhóm tổ chức thanh tra cấp chứng nhận khi hết thời hạn chuyển đổi. Nhóm có thể được cấp chứng nhận khi tuân thủ tiêu chuẩn, hoặc bị kéo dài thời gian chuyển đổi nếu không đạt.
  7. Chứng nhận PGS có giá trị trong thời hạn 01 năm và lịch thanh tra có thông báo trước sẽ được thực hiện 06 tháng 01 lần để xem xét khả năng tiếp tục duy trì chứng nhận của nhóm sản xuất. Quyết định chứng nhận được liên nhóm ban hành có thể là đồng ý duy trì chứng nhận được cấp 6 tháng trước, hoặc cấp mới sau một năm, hoặc hoặc đình chỉ chứng nhận, hoặc từ chối cấp mới tùy tình hình thực tế.
Hình ảnh nông dân thanh tra đồng ruộng
Vườn sản xuất râu hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS điển hình tại Trác Văn, Hà Nam
Vườn rau PGS Bái Thượng, Thanh Xuân

Tuy nhiên Quyết định của liên nhóm chưa phải là Quyết định cuối cùng. Quyết định cấp chứng nhận được liên nhóm đưa ra dựa vào kết quả thanh tra của nông dân. Quyết định được liên nhóm gửi về Ban điều phối để xác minh tính xác thực của quyết định nhằm hạn chế khả năng nể nang bao che nhau luôn hiện hữu trong cộng đồng làng xã

Khi Quyết định của liên nhóm được Ban điều phối xác định sự đúng đắn,  Ban điều phối sẽ in và cấp giấy chứng nhận PGS cho nhóm sản xuất. Ngược lại, nếu Quyết định của liên nhóm chưa đúng hoặc có vấn đề cần xác minh lại, Ban điều phối sẽ ban hành thông báo từ chối ban hành chứng nhận theo Quyết định của liên nhóm và ra văn bản kỷ luật liên nhóm đã ban hành Quyết định chứng nhận không đúng, có nêu rõ lí do từ chối của Ban điều phối.

Bên cạnh hoạt động giám sát, lấy mẫu ngẫu nhiên không báo trước, việc thanh tra sẽ được thực hiện hàng năm, mỗi năm 2 kỳ 6 tháng nhằm đảm bảo chắc chắn các khu sản xuất vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn trong thời gian chứng nhận còn giá trị.

Nguồn: Ban Điều Phối PGS Việt Nam

Biên tập: Trịnh Ngoạt, thư ký văn phòng BĐP PGS Việt Nam