Chuyện lạ ở rau hữu cơ: Nông dân coi người Thanh tra, Kiểm soát là “bảo bối”

Trong cuộc sống, có lẽ không nhiều người thích bị thanh tra, kiểm soát, thế nhưng tại làng rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, các nông dân lại coi những người thanh tra, kiểm soát mình là “bảo bối”.

Mới đây, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đã tổ chức buổi lễ tri ân các nông dân của Liên nhóm rau hữu cơ Thanh Xuân ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Cùng với lễ tri ân là buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân để cùng chia sẻ những “tiếng lòng” của bà con.

Có rất nhiều câu chuyện được các đại diện chia sẻ, từ khó khăn, thuận lợi đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trước câu hỏi của MC làm thế nào bà con giải quyết được vấn đề đầu ra để người tiêu dùng, thị trường chấp nhận sản phẩm của mình, bà Nguyễn Thị Minh Dung, nhóm trưởng nhóm Hoa Ly đã chia sẻ một câu chuyện khiến cả hội trường tán thưởng về cách trồng rau hữu cơ bài bản tại xã Thanh Xuân và ý thức tuyệt vời của người dân nơi đây.

Theo bà Dung, quy trình trồng rau hữu cơ rất ngặt nghèo, làm hữu cơ không phải là công nghiệp hóa mà hoàn toàn thủ công. Trong quá trình trồng rau hữu cơ suốt hơn 14 năm qua, bà con nơi đây đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của PGS Việt Nam (Participatory Guarantee System – Hệ thống đảm bảo có sự tham gia) với Trưởng ban điều phối là bà Từ Thị Tuyết Nhung, một trong những “bảo bối” của nông dân trồng rau hữu cơ tại Thanh Xuân, người luôn nhiệt tình đồng hành cùng bà con.

Bà Dung chia sẻ, chính PGS là đơn vị làm cầu nối giữa 3 bên gồm: người sản xuất, người tiêu dùng và các đơn vị thu mua, tiêu thụ với chức năng thanh tra, giám sát sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân.

Đồng quan điểm với bà Dung, ông Nguyễn Văn Viện, nhóm trưởng nhóm Thành Công cho biết, phải có sự kiểm tra, giám sát kĩ lưỡng như vậy của PGS, Liên nhóm rau hữu cơ Thanh Xuân mới tồn tại và phát triển như hiện nay.

Theo ông Viện, nếu không có thanh tra, giám sát có lẽ ông và bà con không thể thành công. Càng thanh tra, kiểm soát, ông và bà con càng phấn khởi bởi sự đảm bảo của PGS chính là chìa khoá để đưa rau hữu cơ Thanh Xuân ra thị trường. Đại diện cho bà con, ông hoàn toàn ủng hộ “cả 2 tay” thanh tra, giám sát càng nhiều, càng đảm bảo chất lượng đầu ra.

Rất xúc động trước tình cảm của bà con dành cho PGS, bà Từ Thị Tuyết Nhung trong phần toạ đàm dành cho các diễn giả đã chia sẻ một số thông tin rất hữu ích về PGS.

Theo vị “thuyền trưởng” của PGS Việt Nam, nông dân làm hữu cơ rất khó bởi phải làm theo đúng tiêu chuẩn mới được gọi là sản phẩm hữu cơ, vô cùng khó khăn, vất vả. Nhưng sau khi sản xuất ra, làm thế nào để bán được lại là một vấn đề lớn, bởi không thể mang một sản phẩm hữu cơ không có nhãn mác ra thị trường, ai tin?

Vì thế cần phải có tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận để giúp nông dân sau khi làm tốt có đầu ra. Đó chính là lý do PGS Việt Nam ra đời vào năm 2008 với sự giúp đỡ của tổ chức nông nghiệp hữu cơ lớn nhất thế giới IFOAM quốc tế, được hiểu là “Hệ thống đảm bảo có sự tham gia”, viết tắt là PGS.

Bà Nhung cho biết, những người tham gia, giám sát để cấp giấy chứng nhận PGS chính là nông dân, chứ không phải thanh tra ở bên ngoài. Trong hệ thống PGS, chính những người nông dân phải tham gia vào quá trình giám sát, thanh tra, tự chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình làm ra.

Ngoài ra, vai trò của PGS không chỉ đánh giá, giám sát chất lượng, cấp giấy chứng nhận mà còn có nhiệm vụ kết nối nông dân với thị trường, khác hẳn với hệ thống chứng nhận của bên thứ ba chỉ đánh giá, cấp giấy chứng nhận.

Đặc biệt, hệ thống PGS hiện nay có chức năng rất nhân văn đó là giúp nông dân tự nâng cao năng lực và tự đảm bảo chất lượng có sự giám sát của các bên liên quan. PGS không phải là hệ thống nông dân tự cấp giấy chứng nhận, mà là các bên liên quan cùng nhìn vào, cùng thanh tra, cùng giám sát để đưa ra quyết định.

Vì thế, PGS ra đời để giúp nông dân tự đánh giá chất lượng của nông dân và giúp bà con kết nối với thị trường thông qua các nhà bán lẻ. Hiện PGS đã có ở hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có nước tiên tiến như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU…

Cuối cùng, bà Từ Thị Tuyết Nhung gửi lời cảm ơn tới bà con nông dân vì sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm để sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân hiện nay rất có uy tín trên thị trường.