Những năm gần đây, nguồn cung cấp phân bón hữu cơ là một trong những vấn đề có quyết định lớn đến quá trình sản xuất hữu cơ và một trong những thách thức trong phân bón hữu cơ chính là nguồn nitơ hữu cơ. Thực tế chúng ta có thể sử dụng các dạng nitơ động vật qua xử lý. Tuy nhiên, về quy luật sinh thái đó có thể không phải là một giải pháp bền vững. Do vậy, chúng ta cần tìm ra những giải pháp mang tính bền vững hơn. Sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón – cung cấp nguồn phân đạm hữu cơ là sẽ một trong những giải pháp bền vững và hiệu quả vì bèo hoa dâu tự tổng hợp nitơ từ không khí để làm nguồn nitơ cho bản thân chúng nhờ sự cộng sinh của tảo lam trong lá. Nếu được ứng dụng tốt, bèo hoa dâu sẽ có vai trò và ứng dụng rất lớn cho nông nghiệp hữu cơ.
Bèo hoa dâu là gì?
Bèo hoa dâu còn được gọi là bèo dâu, tên khoa học là Azolla sp, là một loại dương xỉ thủy sinh và cộng sinh với loài tảo lục (vi khuẩn lam) cố định nitơ Anabaena azollae. Bèo dâu được mô tả lần đầu tiên vào năm 1883 bởi nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck. Ở Việt Nam, vào những năm thập kỷ 60 trong phong trào phát động sản xuất nông nghiệp xây dựng đất nước, bèo dâu là một trong những cây phân xanh được phát động mạnh nhất và đã xuất hiện ở hầu hết các vùng nông thôn. Bèo hoa dâu có chiều dài dao động từ 1 đến 2,5 cm, có trục chính phân nhánh thành trục phụ, tất cả các trục đều có các lá nhỏ xếp xen kẽ, thân rễ phân nhánh và có phần tầng rời, nhờ đó cành có thể tách ra và trở thành cây sống độc lập với nhau. Đây cũng chính là phương thức sinh sản của bèo hoa dâu.
Hình 1: Bèo hoa dâu A( a: A. filiculoides xanh, b: A. filiculoides đỏ), B ( a: A. pinnata đỏ, b: A.pinnata đỏ)
( Nham Tran 2020)
Vai trò của bèo hoa dâu trong nông nghiệp hữu cơ
Nitơ là một trong những thành phần dinh dưỡng đa lượng không thể thiếu cho sự phát triển của thực vật. Trong khí quyển có tới 78% là nitơ tự do nhưng hầu hết thực vật lại không thể sử dụng bởi cây cối chỉ có thể hấp thụ Nitơ dưới dạng nitrate (NO3-) và amoni (NH4+). Bèo hoa dâu với tiến hóa tuyệt vời của tạo hóa đã sở hữu một khả năng đặc biệt là chúng có thể tự tổng hợp nito từ không khí để biến thành nguồn nito (đạm) cho bản thân nhờ sự cộng sinh của tảo lam. Khi bèo hoa dâu phân hủy, chúng sẽ cung cấp một nguồn đạm dồi dào cho các thực vật khác sử dụng. Theo các nghiên cứu, nuôi bèo hoa dâu không cần bón phân (Pereira et al. 2011, Nham Tran 2021), nhưng với 1 ha bèo dâu nuôi trồng, mỗi năm lại cung cấp 1100 kg đạm sẵn có cho cây trồng sử dụng.
Ứng dụng của bèo hoa dâu trong nông nghiệp hữu cơ
1. Làm phân bón hữu cơ:
Những năm gần đây khi các vấn đề về môi trường sinh thái được đặt ra khắp nơi, người ta bắt đầu tìm kiếm các nguồn phân bón tự nhiên để thay thế cho phân bón hóa học. Các nguồn dinh dưỡng đa lượng rất lớn từ tự nhiên như kali có trong thân chuối, tro bếp, dã quỳ, đạm sẵn có trong các loại cây họ đậu có vi khuẩn nốt sần cộng sinh, và một nguồn nitơ rất lớn trong bèo hoa dâu không thể bỏ qua. Bèo hoa dâu chính là nguồn phân hữu cơ tuyệt vời được phép sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ, nó vừa dễ dàng thay thế cho nguồn đạm tổng hợp, và quan trọng là nông dân có thể tự chủ được. Kỹ thuật nuôi trồng lại đơn giản, khả năng tự tổng hợp nitơ từ không khí tích tụ cao trong thân lá. Vì thế nuôi trồng và sử dụng bèo hoa dâu là một ứng dụng lý tưởng trong sản xuất hữu cơ bền vững và hiệu quả.
2. Thức ăn chăn nuôi
Bèo hoa dâu có hàm lượng protein cao từ 25 – 30% trọng lượng khô và thành phần acid amin tương đương với đậu nành (Nham Tran 2020, 2021). Đáng chú ý là hàm lượng Ca, P, K, Mn và Zn có trong bèo hoa dâu đều cao. Hàm lượng Mn có trong bột các giống bèo dâu đều cao hơn hẳn các loại rau bèo khác, vì thế bèo hoa dâu đã được nghiên cứu làm nguồn thức ăn cho nhiều loại gia súc và động vật khác nhau dê, lợn, thỏ, gà, vịt, tôm và cá. Theo tạp chí khoa học của viện chăn nuôi, một kg bèo hoa dâu tươi có giá trị dinh dưỡng tương ứng 0,05 – 0,07 đơn vị thức ăn (ĐVTA). Như vậy mỗi ha nuôi thả bèo dâu trong một vụ có thể thu được 6000 – 9000 ĐVTA. Rõ ràng là việc sử dụng bèo hoa dâu tươi để nuôi lợn và vịt có ý nghĩa kinh tế không nhỏ, đặc biệt đối với lợn nái sinh sản.
Báo cáo nghiên cứu của (Srinivas Kumar (2012) sử dụng 25% bèo hoa dâu khô thay thế tổng lượng protein trong khẩu phần thức ăn của trâu đực, và nghiên cứu thay thế bèo hoa dâu tới 50% cho bê và trâu (Indira et al. 2009), cho thấy không có bất kỳ tác dụng phụ nào tới động vật nuôi. Tuy nhiên, tác dụng phụ đã được báo cáo khi sử dụng hơn 20% bột bèo hoa dâu để thay thế tổng lượng protein cho dê (Samanta & Tamang 1995). Ngoài ra, sử dụng bèo hoa dâu làm thức ăn cho gia súc được cho là giúp cải thiện sản lượng sữa (Chatterjee và cộng sự 2013; Gowda và cộng sự 2015; Mathur, Sharma & Choudhary 2013), và việc sử dụng làm thức ăn cho thỏ cũng đã được báo cáo (Ramesh và cộng sự 2011). Các nghiên cứu về bột cá và tôm cho thấy Bèo hoa dâu thay thế 10 – 30% protein mà không có bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào (Radhakrishnan et al. 2014; Sudaryono 2011). Đặc biệt hơn, bèo hoa dâu có thể được sử dụng để thay thế 100% đạm đậu nành cho tôm sú do tính tương đồng giữa nó với đạm đậu nành.
Do vậy, có thể tự tin nói ngoài mục đích sử dụng làm phân bón hữu cơ hữu hiệu, bèo hoa dâu còn có thể là nguồn thức ăn chăn nuôi hữu cơ rất tốt, một giải pháp thay thế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.