Hai giảng viên của VCARD là thầy Lê Trung Hưng và cô Trần Thị Thanh Bình cùng 3 giảng viên nguồn từ chương trình IPM Quốc Gia đã được ADDA lựa chọn làm nhóm giảng viên thực hiện đào tạo. Chuyên đề và nội dung đào tạo từng ngày đã được cố vấn Dự án và cán bộ kỹ thuật của ADDA trực tiếp chuyển giao tới nhóm giảng viên, thảo luận chi tiết phương pháp thực hiện mỗi nội dung bài giảng và ngay sau đó các kiến thức vừa được nhóm giảng viên cập nhật được chuyển tải ngay tới học viên trên các giờ giảng lý thuyết và thực hành đồng ruộng. Các giảng viên khác của trường bao gồm Phạm Văn Hiếu, Nguyễn Đức Ngọc, Tạ Thị Thu Hà và Phùng Xuân Xuất – cán bộ Trại thực nghiệm đã được tham gia học tập tại TOT để trở thành giảng viên nguồn, đáp ứng nhu cầu đào tạo về nông nghiệp hữu cơ cho các địa phương sau này.
Là một trong những đối tác của ADDA, thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lương Sơn, ngay sau khi kết thúc TOT, trong 4 năm từ 2009 -2012, VCARD đã phối hợp với Hội nông dân và chính quyền huyện Lương Sơn, thực hiện 27 lớp huấn luyện (FFS) về canh tác hữu cơ cho nông dân, và thành lập được 15 nhóm sở thích chuyên sản xuất rau, bưởi và nhãn hữu cơ. Với chức năng và chuyên môn của mình, nhà trường đã cung cấp các lớp tập huấn ngắn hạn đào tạo về kỹ năng phát triển cho các nhóm sản xuất hữu cơ như: kỹ năng Điều hành và quản lý nhóm, ghi chép sổ sách, kế toán, marketing, xử lý sau thu hoạch vv..…. Qua quá trình thực hiện các hoạt động của dự án, năng lực của cán bộ nhà trường tham gia dự án đã được nâng lên rõ rệt bởi được cập nhật thêm những kiến thức mới về nông nghiệp hữu cơ và các phương pháp tiếp cận khi thực hiện các hoạt động của dự án.
Để giám sát chất lượng và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, dưới sự hướng dẫn của dự án ADDA, nhà trường đã cùng HND Lương Sơn phát triển hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS). Cùng với Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn – một bộ phận quan trong trong hệ thống PGS, VCARD vẫn đang tiếp tục tham gia các hoạt động giám sát và bảo đảm chất lượng cho dù dự án đã kết thúc vào tháng 9/2012. VCARD đặc biệt là các giảng viên khoa trồng trọt vẫn luôn sát cánh đồng hành cùng ban điều phối PGS, hỗ trợ mọi hoạt động phát triển NNHC không chỉ ở Lương Sơn mà còn ở các vùng miền khác nhau trên cả nước như Sóc Sơn (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam), Tân Lạc (Hòa Bình), Hội An (Quảng Nam), Bình Đại (Bến Tre)…
Bảy năm qua, từ những viên gạch đầu tiên mà dự án ADDA tin tưởng đặt nền móng tại trường, với bao khó khăn, vất vả kể cả những hoài nghi trăn trở về khả năng phát triển NNHC tại Việt Nam, nhưng với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các cán bộ của nhà trường, đặc biệt giảng viên khoa Trồng Trọt đã chứng minh NNHC có thể phát triển được ở Việt Nam ngay cả ở những nơi tưởng chừng như không thể trồng trọt. Với một niềm tin đã và đang được trải nghiệm trong suốt thời gian qua, rằng nông nghiệp không hóa chất sẽ dần làm cân bằng và ổn định lại hệ sinh thái đang bị đảo lộn bởi lạm dụng hóa chất, không chỉ trong đồng ruộng, ở trên mặt đất mà cả ở bên trong đất và cả hành tinh của chúng ta.
Kế thừa những thành quả của dự án ADDA, NVCARD hiện là trường đầu tiên trong hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học đưa kiến thức NNHC vào thành môn học để giảng dạy cho sinh viên của nhà trường.
Chúc cho nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển, chúc cho những người nông dân được trang bị những kiến thức về NNHC sẽ tự thoát nghèo và làm giầu trên chính mảnh đất của gia đình mình. NVCARD sẽ vẫn luôn đồng hành cùng với sự phát triển NNHC ở Việt Nam.
TS. Trần Thị Thanh Bình
Trưởng khoa Trồng Trọt-NVCARD
Tác giả: Ad.VNO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn