Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam

https://vietnamorganic.vn


Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổng kết năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và phương hướng kế hoạch năm 2022.
Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổng kết năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022

Các hoạt động chú ý của Hiệp hội

Tham dự Hội nghị có TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; ông Trần Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Trưởng quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam;

Tới dự Hội nghị còn có ông Nông Hải Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Tạp chí Hữu cơ Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng (Trung Hiền), Phó Tổng biên tập Tạp chí Hữu cơ Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại Hữu cơ Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tạp chí Hữu cơ Việt Nam; bà Vũ Lê Y Voan, nguyên Phó trưởng Ban quốc tế - Hội Nông dân Việt Nam cùng đại diện các Viện, Trung tâm trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; các cơ quan ban ngành và cán bộ phóng viên Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.

TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, TSKH. Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội, Hiệp hội đã phải hoãn, lùi, hủy nhiều hoạt động trong kế hoạch xây dựng năm 2020. Dù để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Hiệp hội đã hạn chế rất nhiều hoạt động, tuy nhiên vượt lên trên khó khăn, Hiệp hội đã thực hiện một số hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2021, Chủ tịch Hiệp hội đã trực tiếp liên hệ, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) để ủng hộ và chúc mừng nhân dịp Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hiệp hội (10/2011-10/2021) và Lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến về NNHC toàn quốc.

Quang cảnh hội nghị

Đến ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành thư gửi đến hơn 280 đơn vị là các doanh nghiệp, HTX và hội viên Hiệp hội NNHC Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với Phong trào phát triển NNHC Việt Nam và vai trò của Hiệp hội trong 10 năm qua.

Trong đó, Thủ tướng khẳng định “Nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu hướng của thế giới”. Đồng thời, Thủ tướng cũng hoan nghênh và ủng hộ đề xuất, sáng kiến của Hiệp hội tổ chức chương trình “Lễ tôn vinh các điển hình tiên tiến phát triển NNHC toàn quốc năm 2021”.

Về công tác phát triển hội viên, trong năm 2021, Hiệp hội kết nạp thêm 03 hội viên mới (3 đơn vị). Đến nay, số hội viên là 289 hội viên (103 đơn vị, 186 cá nhân), Hiệp hội quyết định thành lập 02 Chi hội NNHC gồm: Chi hội Đại học Nông Lâm – Đại học Huế; Chi hội Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội.

Ông Nông Hải Việt, Tổng biên tập Tạp chí Hữu cơ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hà Phúc Mịch nhấn mạnh: "Nhìn chung công tác phát triển hội viên còn chậm đổi mới về tuyên truyền, tập hợp và quản lý hội viên còn lỏng lẻo, chưa thu được hội phí thường xuyên. Hầu như các hội viên chỉ đóng phí 1 lần khi gia nhập lần đầu và các năm sau không thu được phí hàng năm. Do các hoạt động phát triển hội viên đang chủ yếu là tự động gia nhập và tìm đến văn phòng làm thủ tục. Chưa tổ chức được hội nghị gặp mặt các Hội viên, trách nhiệm và quyền lợi của hội viên chưa được quan tâm".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hà Phúc Mịch còn làm trưởng đoàn giảng dạy trực tuyến những kiến thức cơ bản về nông nghiệp hữu cơ tại “Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về NNHC cho các huyện và thành phố Bắc Kạn” do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì tháng 01/2021.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại Hữu cơ Việt Nam và TS. Trần Thị Thanh Bình (ngoài cùng bên trái), Trường Đại học Lâm nghiệp chúc mừng Tổng biên tập Nông Hải Việt (thứ 2 từ phải qua) và Founder Bác Tôm Trần Mạnh Chiến.

Ngoài ra, Chủ tịch Hà Phúc Mịch còn tư vấn phản biện trực tiếp tại Sở NN&PTNT Tuyên Quang về xây dựng Đề án phát triển NNHC và chính sách của tỉnh về NNHC. Chủ tịch Hiệp hội còn đến thăm và làm việc cùng Sở NN&PTNT Tuyên Quang, UBND Hàm Yên và đến thăm các nhóm nông dân vùng sản xuất cam hữu cơ PGS.

Bên cạnh đó, Hiệp hội phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) giới thiệu các doanh nghiệp, nhà sản xuất hữu cơ có chứng nhận hữu cơ tham gia Hội chợ hàng Nông sản Việt Nam hàng năm tại Aeon Mall Long Biên (dự kiến tổ chức cuối tháng 11/2021). 

Hiệp hội phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức điều tra hệ thống sản xuất hữu cơ tại Việt Nam năm 2021. Các hoạt động này do Văn phòng Hiệp hội làm việc với Phòng Thị trường trong nước – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhằm thu thập dữ liệu hàng năm về nông nghiêp hữu cơ có hiệu quả và chính xác hơn (thay vì trước đây Văn phòng Hiệp hội tự triển khai).

Đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội là đơn vị phối hợp thực hiện dự án “Thương mại và chứng nhận sản phẩm hữu cơ Úc - Việt” của Mekong Organics. Theo đó, Hiệp hội kết nối các thành viên với các khóa đào tạo của dự án và chia sẻ kinh nghiệm phát triển NNHC của Hiệp hội tại các khóa đào tạo của dự án.

Các đại biểu về tham dự hội nghị 

Cũng trong năm 2021, khi tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, Ban điều phối PGS vẫn duy trì các hoạt động giám sát, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ PGS Việt Nam, đặc biệt việc áp dụng hệ thống truy xuất đã hoạt động tương đối ổn định. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ PGS Việt Nam năm 2021 là 27 ha (giảm 10ha so với năm 2020), với 35 nhóm (181 nông dân) và 7 trại tự nhận được giám sát. Năm 2021, PGS đã dừng chứng nhận 3 nhóm và 1 trại do các nhóm này hoạt động không hiệu quả.

Sản lượng bán ra 6 tháng đầu năm 2021 là 253 tấn (tăng 25% so với năm 2020) tại 68 cửa hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Nam… qua hệ thống bán lẻ Aeon Mall, Vinmart, Bác Tôm, Tâm Đạt, Sói Biển…

Ngoài hoạt động quản lý, PGS Việt Nam thực hiện các hoạt động khác như: Kết nối nông dân hữu cơ Việt Nam tham gia 6 phiên đối thoại độc lập trong các lĩnh vực nông/lâm/ngư/biến đổi khí hậu được Liên minh nông dân Châu Á (AFA), INOFO; IFOAM tổ chức do UN kêu gọi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thế giới. 

Bà Vũ Lê Y Voan, nguyên Phó trưởng Ban quốc tế - Hội Nông dân Việt Nam, Cố vấn cao cấp Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại phát biểu tại Hội nghị.

Tham gia ý kiến đóng góp tại Hội nghị, bà Vũ Lê Y Voan, nguyên Phó trưởng Ban quốc tế - Hội Nông dân Việt Nam nói: "Chúng ta phải hướng dẫn, đào tạo nông dân miền núi, thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã thu hái sản phẩm tự nhiên. Từ đó, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hữu cơ (TCVN), nâng cao mức sống người dân và bảo vệ phát triển rừng. Trung tâm nghiên cứu phát triển NNHC Việt Nam (CRDOA) là đơn vị lâu năm đồng hành với miền núi dân tộc cần phải được tăng cường, củng cố bộ máy tổ chức, đáp ứng nhiệm vụ, cùng phối hợp với các đơn vị có liên quan (Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền sản phẩm NNHC Việt Nam". 

Văn phòng tư vấn cho Công ty CP Phân bón Bình Điền chính thức đưa vào khảo nghiệm để xin cấp phép lưu hành cho một số sản phẩm phân bón có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên, khoáng thiên nhiên để phục vụ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện nay, Bình Điền đang thực hiện nghiên cứu sản suất lúa hữu cơ với Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long như giống lúa mắt rồng và một số giống lúa địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Xúc tiến thương mại Hữu cơ Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tạp chí Hữu cơ Việt Nam.

Về công tác tuyên truyền, định hướng theo chính sách của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, đưa tin và các bài viết tuyên truyền cho công tác của lãnh đạo Hiệp hội cùng hoạt động của Hiệp hội; tuyên truyền về nền nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Kết nối với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội về công tác tuyên truyền nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, phối hợp triển khai với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xuất bản giáo trình đào tạo Nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, hoàn thiện bộ máy quản lý của Tạp chí in và Tạp chí điện tử theo Giấy phép hoạt động của Bộ TT&TT cấp theo cơ chế quản lý đặc thù.

Toàn cảnh Hội nghị 

 

Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, bước sang năm 2022, Hiệp hội phấn đấu 100% các đơn vị trực thuộc phải tự chủ được tài chính cho hoạt động bình thường của đơn vị mình và nghĩa vụ đóng góp xây dựng Hiệp hội. 100% các đơn vị đều đạt đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 50% đơn vị khá, giỏi trở lên. Đến cuối năm 2022, 100%, các đơn vị trực thuộc phải có đủ lãnh đạo quản lý đơn vị và có văn phòng làm việc.

Bà Từ Tuyết Nhung - Trưởng Ban điều phối PGS 

Theo quy chế làm việc và Điều lệ của từng đơn vị bao gồm cả Quy chế của Hiệp hội phải được tuân thủ 1 cách nghiêm túc, thể hiện sự gắn bó giữa các đơn vị với nhau trên tinh thần: Hỗ trợ giúp đỡ, đoàn kết, đồng thuận cùng thắng và cùng phát triển đúng như 4 nguyên tắc của NNHC là: Sức khỏe, sinh thái, cẩn trọng và công bằng.

Có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ khi được yêu cầu trong điều kiện cho phép đối với các trường hợp có lý, hợp tình, nhưng cũng đề ra các giải pháp xử lý mạnh, công khai, minh bạch những hành động, việc làm sai trái theo Điều lệ, các chính sách của Chính phủ, luật pháp nhà nước.

Ông Lê Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Trưởng quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam.

Năm 2022 tăng ít nhất khoảng 20% so với tổng số hội viên hiện nay. Chú trọng hướng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Giao cho mỗi Ủy viên BCH vận động thành lập được ít nhất 01 chi hội trong năm 2022. Mỗi năm tổ chức 01 hội nghị cho toàn thể hội viên. 100% hội viên đều được cập nhật thông tin thường xuyên từ Hiệp hội. Phấn đầu đến cuối năm 2022 có 70% số tỉnh, thành đều có Chi hội và hội viên.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 phải thiết kế xong phần mềm quản lý hội viên và tổng rà soát toàn bộ thẻ hội viên. Đồng thời củng cố, bổ sung nhân sự Ban phát triển Hội viên và Ban Kiểm tra. 

Căn cứ theo đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã được Bộ chấp nhận cho ý kiến tại văn bản số 5041/BNN-VP ngày 29/7/2020, Ban thường vụ đã họp, phân công các đơn vị cá nhân của Hiệp hội phối hợp với các đơn vị của Bộ, cụ thể hóa các nhiệm vụ, phương thức phối hợp.

TS. Trần Thị Thanh Bình, Trường Đại học Lâm nghiệp

Đề nghị mỗi ủy viên BCH sẽ chủ động xem xét tham gia nhiệm vụ cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP và Đề án 885 về phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030.

Nhóm đơn vị Trường gồm: Đại Học Hùng Vương và Trường Cao Đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ phối hợp thực hiện đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và tăng cường giáo dục về NNHC cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường nghề, cao đẳng thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản...

Founder Bác Tôm Trần Mạnh Chiến, thành viên Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.

Trong đó, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Nông Lâm Huế đều có lãnh đạo là Ủy viên BCH Hiệp hội nên cần chủ động có kế hoạch của trường tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực về NNHC và có hình thức đào tạo phù hợp trong Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030 (Nhiệm vụ thứ 4 – Theo Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020).

Ông Phạm Đình Nam, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Trung Hiền), Phó Tổng biên tập Tạp chí Hữu cơ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp tục duy trì các PGS ở các địa phương đang hoạt động và hỗ trợ, hướng dẫn cho các tỉnh, thành có nguyện vọng thành lập PGS hữu cơ; Tiến tới Đại hội lần thứ nhất: Liên minh PGS quốc gia Việt Nam vào năm 2022. Đồng thời hướng tới mục tiêu: PGS Việt Nam là một hình thức tổ chức chứng nhận đầy đủ ở trong Hệ thống tổ chức chứng nhận của Việt Nam.

Lễ kỷ niệm phải đảm bảo thật trang trọng và nêu bật được kết quả 10 năm xây dựng và trưởng thành. Ban Thường vụ Hiệp hội kiểm tra đôn đốc chương trình, đề án cụ thể để tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và Lễ tôn vinh điển hình tiên tiến phát triển NNHC lần thứ II dự kiến vào tháng 10/2022.

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Trưởng quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm qua và mong muốn Hiệp hội tiếp tục, xây dựng là đơn vị vững mạnh, toàn diện trong nhiệm kỳ II, phấn đấu chủ động, tự chủ về tài chính; góp phần phát triển NNHC theo Nghị quyết Đại hội XIII và chính sách của Nhà nước. Tiến tới tổ chức thực hiện thành công Lễ Kỷ niệm và Lễ tôn vinh 10 năm thành lập Hiệp hội.

"Nông nghiệp hữu cơ còn non trẻ như thế này nhưng đã quyết tâm đi lên và đã vào chiến lược quốc gia giai đoạn năm 2030 - 2045. Đây chính là "màu vàng" và là nguồn tài nguyên của Đảng trong chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ", ông Thắng nói thêm.

Xuân Hiền

Tác giả: Ad.VNO

Nguồn tin: nongnghiephuucovn.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây