Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam

https://vietnamorganic.vn


PGS VIỆT NAM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

PGS là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Participatory Guarantee System”, một hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng được vận dụng trong dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” kéo dài 7 năm do tổ chức ADDA tài trợ và phối hợp thực hiện cùng Hội Nông Dân từ cấp cơ sở đến Trung Ương. Là một hệ thống được Liên đoàn các phong trào Nông Nghiệp Hữu cơ (IFOAM) phát triển, hướng dẫn ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới để xây dựng niềm tin, giúp nông dân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ có thể tiếp cận sản phẩm lành có chất lượng ra thị trưởng địa phương.
Thành viên PGS với sản phẩm Rau hữu cơ

Thành viên PGS với sản phẩm Rau hữu cơ

 
 
 
Được thiết lập vào cuối năm 2008, khi những nhóm nông dân hữu cơ tại Sóc Sơn – Hà Nội và Lương Sơn – Hòa Bình bắt đầu có những sản phẩm đầu tiên cần tiếp cận thị trường. Một thách thức vô cùng lớn, đó là: nếu nông dân không bán được sản phẩm, cho dù là sản phẩm hữu cơ hay thông thường, sẽ chẳng nông dân nào có thể kiên định chuyển đổi từ canh tác hóa chất sang canh tác hữu cơ khi nó không thể giúp nông dân đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Trong khi người tiêu dùng đang bị khủng hoảng niềm tin, trong khi mà chưa có bất kỳ chính sách hay quy định nào của nhà nước đề cập đến nông nghiệp hữu cơ kể cả những quy định tối thiểu để đánh giá sản xuất, chưa hề được nhắc tới trong bất cứ các nghị định nào của chính phủ dành cho nông nghiệp hữu cơ. Mọi cái dường như bị tắc nghẽn và hệ thống PGS như một giải pháp tối ưu, ở đó cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của các cơ quan chuyên môn nhà nước, của các nhà bán lẻ, của các NGO địa phương và Quốc Tế, và hơn tất cả là sự tham gia và chịu trách nhiệm trực tiếp của người sản xuất trong suốt tiến trình sản xuất cho đến tận bàn ăn của khách hàng. 
 
Có thể nói, PGS vận hành giống hệ thống chứng nhận của bên thứ 3 thường là cơ quan đánh giá thuộc chính phủ, nhưng chỉ khác ở con người. Trong hệ thống chứng nhận của bên thứ ba, đánh giá sự tuân thủ được thực hiện bởi các thanh tra viên độc lập từ bên ngoài. Trong PGS, việc đánh giá được thực hiện bởi chính các thanh tra viên là những nông dân sản xuất hữu cơ được đào tạo nghiệp vụ thanh tra. Giám sát chéo nhau giữa người nông dân trong nhóm sản xuất và giữa các nhóm nông dân với nhau cùng sự tham gia của các bên liên quan là yếu tố cốt lõi của PGS. Trách nhiệm và lợi ích được chia sẻ giữa các thành viên trong nhóm sản xuất đã làm thay đổi to lớn nhận thức của nông dân về tính trách nhiệm mà họ phải chịu qua việc đảm bảo các sản phẩm của mình tới cộng đồng. Giám sát được thực hiện liên tục ngay cả sau khi nông dân đã được đánh giá và cấp chứng nhận. Để xây dựng niềm tin vốn có thể coi là “xa xỉ” hiện nay, PGS chú trọng vào sự minh bạch và đảm bảo nguyên vẹn giá trị hữu cơ của sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng. Giám sát được thực hiện không chỉ trên đồng ruộng sản xuất mà cả tại các cửa hàng bán lẻ thành viên của PGS. Có thể nói, trong bối cảnh nổi cộm về ATTP hiện nay, PGS là hệ thống chứng nhận có sự tham gia của cộng đồng trong đó bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, dù là cá nhân hay cơ quan nhà nước, dù là khách hàng hay nhà phân phối, bất cứ ai có quan tâm, đều có thể tự nguyện tham gia đóng góp sức mình chia sẻ kiến thức, giám sát chất lượng, để mình và mọi người cùng được hưởng những sản phẩm thật sự lành.
 
 
 
Định mệnh của PGS đã được chính nông dân quyết định khi dự án ADDA-VNFU kết thúc vào tháng 9 năm 2012, đúng lúc mà PGS non trẻ vừa mới được định hình về tổ chức sau 3 năm thành lập, người tiêu dùng vừa mới bắt đầu làm quen và trải nghiệm các sản phẩm hữu cơ PGS. Nhiều đơn vị kinh doanh tìm đến rồi lại ra đi khi chỉ thấy những khó khăn chất chồng trong khi họ cần một phép tính lợi nhuận nhanh nhất. Nông dân thì ngơ ngác hoang mang và luôn hỏi “chúng tôi sẽ bán sản phẩm thế nào”. Mọi thứ lúc đó thật mong manh khi PGS không còn được hỗ trợ của dự án. Mong muốn được tiếp tục vận hành PGS đã được khởi xướng từ chính người nông dân đã cho thấy tính thực tiễn của PGS. Một quyết định mang tính sống còn của PGS đã được thông qua bởi chính Nông dân, thương nhân và Hội Nông dân cơ sở cùng nhau chung tay tiếp tục vận hành PGS cho dù dự án kết thúc. Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) - một tổ chức phi chính phủ địa phương đã đón nhận PGS, hỗ trợ cả về con người và tài chính để PGS vận hành tiếp tục thực hiện sứ mênh nhân văn của nó là giúp nông dân sản xuất nhỏ tiếp cận các sản phẩm chất lượng ra thị trường. Một khoản quỹ hỗ trợ ban đầu “Seed funding” đã được ADDA trao cho ACCD cùng với các khoản phí đóng góp của nông dân và các đơn vị kinh doanh. Với sự tham gia tình nguyện của các cá nhân và hỗ trợ đắc lực cả về tài chính từ IFOAM đã giúp PGS vận hành cho đến nay.
Kể từ khi dự án kết thúc, bằng sự đồng thuận và quyết tâm của các bên liên quan, PGS tiếp tục hoạt động và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn của nó để trình tới IFOAM xin công nhận. Sau 3 lần chỉnh sửa theo yêu cầu của bộ phận đánh giá từ IFOAM, kể từ lần trình đầu tiên vào năm 2011, bộ tiêu chuẩn PGS hữu cơ Việt Nam đã được IFOAM chính thức công nhận và trở thành“Thành viên trong gia đình tiêu chuẩn của IFOAM” vào tháng 9/2013, có nghĩa nó tương đồng với các tiêu chuẩn hữu cơ Quốc Tế khác. Có thể nói, đây là bộ tiêu chuẩn hữu cơ nội địa đầu tiên của Việt Nam được công nhận ở Quốc Tế, đánh một dấu mốc quan trọng cho những bước đi tiếp theo của PGS Việt Nam.
 
Có thể nói, tiến trình phát triển của PGS Việt Nam thật chậm, nhưng cẩn trọng với phương châm của NNHC, nghĩa là, mọi việc đều phải có khả năng kiểm soát được. Từ 22 nhóm nông dân sơ khai của 2 vùng Lương Sơn (Hòa Bình) và Sóc Sơn (Hà Nội) ở 2012, sản phẩm hữu cơ PGS đã dần lấy lại được niềm tin của khách hàng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân và các đơn vị kinh doanh như Bác Tôm, Rau hữu cơ Thanh Xuân, Ecomart, Tâm Đạt, Tràng An, Green Life, Nông sản ngon…, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, cùng sự hỗ trợ đắc lực của VECO trong các chương trình nâng cao nhận thức về hệ thống PGS cho cộng đồng, vận động chính sách tới các cơ quan của chính phủ cũng như các hoạt động hỗ trợ khác tới tận nông dân. Tính đến tháng 11/2015, số nhóm nông dân trong hệ thống PGS Việt Nam là 50 nhóm trên tổng diện tích 45 ha bao gồm cả diện tích đang chuyển đổi, cùng với 352 hộ nông dân tham gia PGS hữu cơ. Từ 4 đơn vị tham gia ban đầu đến nay có 8 đơn vị đang giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại 45 cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội. Cách tổ chức nông dân thành mạng lưới, nâng cao nhận thức, kiến thức và làm thay đổi hành vi sản xuất của nông dân qua hệ thống PGS đã cho thấy một phương pháp đúng, một hướng đi hiệu quả, giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm thực sự chất lượng để nâng cao thu nhập. Với ý nghĩa nhân văn của PGS, nó đang dần lan tỏa sang các tỉnh khác như Bến Tre và Quảng Nam.
 
 
 
 
Cho dù PGS nỗ lực tự thân vận động trong 7 năm qua bằng sự đóng góp công sức và tài chính chủ yếu từ các thành viên, mới chỉ dừng ở mức được ghi nhận bởi Cục Trồng Trọt - Bộ Nông Nghiệp. Dù PGS chưa hề được bất cứ chính sách hỗ trợ nào từ phía nhà nước, nhưng nó đang được ủng hộ của chính quyền địa phương cấp cơ sở vận dụng linh hoạt trong công tác quản lý ATVSTP. PGS dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội NNHC Việt Nam, đang dần củng cố vị trí của mình, nhưng cũng cần được nâng cao năng lực chuyên môn hơn nữa. Để lan tỏa một cách bền vững ra các vùng khác nhau, muốn được như vậy, PGS cần một đội ngũ giảng viên chuyên sâu về NNHC và PGS để giúp các cơ sở vận dụng và phát triển. Tính thần tự nguyện tham gia trong PGS cho thấy sự quan tâm của cộng đồng về một nền nông nghiệp sạch, nhưng đang dần bộc lộ những hạn chế về tính ổn định và sự cam kết khi họ, những thành viên tham gia trong PGS vẫn phải loay hoay kiếm tìm những khả năng mưu sinh ngoài PGS. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đang cùng IFOAM phát triển PGS tại 6 nước tiểu vùng sông Mekong (GMS) với mong muốn, các sản phẩm hữu cơ, hoặc sản phẩm an toàn được giám sát trong PGS sẽ được trao đổi giữa các nước trong khu vực của GMS, cho thấy PGS đang trở thành một công cụ quản lý được vận dụng trong các lĩnh vực khác nhau mà không còn dành riêng cho nông dân hữu cơ.
 
Hy vọng, với sự ủng hộ và nỗ lực to lớn của Hiệp Hội Nông Nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA), nông dân hữu cơ và cả những cá nhân sản xuất đơn lẻ đang cố gắng tự thân vì một nền nông nghiệp sạch cho thế hệ tương lại của người Việt sẽ sớm nhận được những chính sách hỗ trợ chính thức từ chính phủ, và PGS cho dù được công nhận hay không, nó vẫn đang và sẽ tiếp tục được vận hành bởi nhiều bên liên quan vì chính quyền lợi của NGƯỜI NÔNG DÂN và quyền lợi của bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào trong xã hội, được gọi là NGƯỜI TIÊU DÙNG 
 
 
Nguồn: Tạp chí NNHC số 1&2 xuân Bính Thân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây